Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu dân cư văn hóa Phan Huy Ích: Nét đẹp Tràng An

Lê Hương| 30/12/2009 09:15

(HNM) - Năm 2009, khu dân cư (KDC) Phan Huy Ích, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) tiếp tục giữ vững danh hiệu KDC văn hóa, khẳng định sự nỗ lực phấn đấu của mấy trăm hộ dân nơi đây. Và điều đáng trân trọng hơn là phẩm chất thanh lịch - văn minh, nét đẹp của Thăng Long -  Hà Nội của mỗi người dân trong KDC vẫn vẹn nguyên.

Gìn giữ phẩm chất người Thăng Long


Khu dân cư văn hóa Phan Huy Ích, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình. Ảnh: Thái Hiền


Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thưởng, Bí thư Chi bộ KDC Phan Huy Ích - một gia đình văn hóa tiêu biểu. Căn nhà chỉ khoảng 40m2, đồ đạc đơn sơ nhưng đầy ắp tiếng cười và sự ấm cúng bởi không khí quây quần của đại gia đình. Ba thế hệ cùng sinh sống đã mấy chục năm, nhưng hàng xóm chưa hề nghe thấy gia đình ông to tiếng. Vốn là một nhà giáo đã về hưu, trước sự sôi động, ồn ào của nhịp sống hiện đại, không ít nét đẹp truyền thống bị lu mờ, điều ông tâm đắc là xây dựng KDC văn hóa phải bắt đầu từ mỗi con người, mỗi gia đình. Thế là, với sự khởi xướng của ông, cùng với sự vào cuộc tự nguyện sôi nổi của cán bộ, đảng viên, nhân dân, năm 2006, nghị quyết về xây dựng KDC văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với mục tiêu giữ gìn phẩm chất người Thăng Long - Hà Nội của KDC Phan Huy Ích hình thành.

Phẩm chất thanh lịch - văn minh Thăng Long - Hà Nội xưa đã được KDC Phan Huy Ích cụ thể thành 7 tiêu chí của con người văn hóa, đó là: nói năng lễ độ; ăn uống từ tốn; mặc nền nã; ở ngăn nắp; giao tiếp nhã nhặn; sống lành mạnh, nhân ái, ham học hỏi; tôn trọng pháp luật, trật tự, kỷ cương. Để hiện thực hóa các tiêu chí này, cán bộ, đảng viên đi đầu vận động các thành viên trong gia đình gương mẫu thực hiện trước. Với tư chất nhà giáo, ông Thưởng giáo dục con cháu mình, bắt đầu từ việc giữ đẹp "nếp nhà": Con cháu lấy chữ "hiếu" với ông bà, cha mẹ làm đầu; dâu rể lấy chữ "hiền thảo" làm trọng. Đối với ông bà, cha mẹ luôn mẫu mực để làm gương cho con cháu noi theo. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ăn ở có tình nghĩa, tương trợ giúp đỡ nhau được mỗi người trong gia đình ông ý thức rất cao. Biết con cái bận việc cơ quan, ông bà Thưởng không nề hà bất cứ việc gì, từ đi chợ, nấu cơm, đến bảo ban học hành cho các cháu, để các con yên tâm công tác. Các con ông đều cố gắng thu xếp thời gian, dành tình cảm chăm sóc ông bà lúc trái nắng, trở trời.

Xây dựng phong cách ứng xử văn hóa trong gia đình, các hộ trong KDC giáo dục con cháu ngay từ lời ăn, tiếng nói sao cho thanh lịch, nhã nhặn khi giao tiếp. Dẫu còn nhiều việc phải lo toan trong cuộc sống đời thường nhưng các hộ dân luôn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động đóng góp ủng hộ các hoạt động tương thân, tương ái và tôn tạo các khu di tích lịch sử - văn hóa. Mới đây, di tích lịch sử - văn hóa đền Yên Thành - nơi duy nhất ở Hà Nội thờ Vua bà Lý Chiêu Hoàng đã được trùng tu, tôn tạo khang trang với kinh phí hơn 3 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.

Khu dân cư văn hóa,an bình

Phố Phan Huy Ích là KDC văn hóa, an bình. Ông Nguyễn Văn Tạo, 85 tuổi khẳng định như vậy, là bởi ông có gần 20 năm gắn bó với công tác văn hóa nên thuộc làu những việc KDC đã làm được. Theo ông thì đây là khởi nguồn của nhiều mô hình quản lý, tập hợp dân cư, sau này được nhân rộng ra toàn quận Ba Đình và TP Hà Nội. Nổi bật nhất là việc xây dựng thành công mô hình "số nhà văn hóa". Năm 2000, tổ 14 do bà Phạm Thị Nhu làm tổ trưởng được làm điểm, với các tiêu chí xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, phát triển kinh tế, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Công sức vận động của người phụ nữ giàu tâm huyết này đã được đền đáp xứng đáng, sau một thời gian thực hiện, tổ dân phố tạo sự chuyển biến đáng mừng, các hộ dân sống đoàn kết, yên ấm đùm bọc nhau. Từ thành công này, KDC có sáng kiến xây dựng "số nhà văn hóa". Việc gắn "số nhà văn hóa" đã thúc đẩy kích thích phong trào thi đua phát triển kinh tế, nâng cao ý thức tự giác thực hiện công việc của các hộ. Kinh nghiệm này được nhiều KDC khác học tập và áp dụng, góp phần tạo nên phong trào rộng khắp và trở thành nét đặc trưng của các KDC văn hóa trên đất Hà thành.

Cũng tại KDC này, ngày ngày có tổ tự quản (gồm 7-8 thành viên) thay nhau thường trực tại nhà văn hóa để làm công việc nắm bắt, xử lý các thông tin liên quan đến an ninh trật tự, trật tự đô thị… Từ vụ việc mâu thuẫn giữa các gia đình, đến việc đổ rác không đúng nơi quy định, đỗ xe không đúng quy cách… các tổ đều phối hợp với các lực lượng giải quyết. Ở KDC còn có câu lạc bộ "Nửa vầng trăng", hội tụ những người phụ nữ không may phải chịu cảnh góa bụa tập hợp nhau để chia sẻ sự mất mát trong đời sống, cùng giúp nhau phát triển kinh tế… Ngoài ra còn các mô hình tương thân, tương ái, giúp đỡ các đối tượng mắc nghiện… đều được triển khai thành công, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng…

Người dân KDC Phan Huy Ích tự hào vì đã đóng góp một phần đáng kể để gìn giữ và phát huy phẩm chất tốt đẹp của người Thăng Long - Hà Nội. Phẩm chất ấy được xây dựng trên tổng hòa các giá trị văn hiến của truyền thống và hiện đại. Nó đã, đang và tiếp tục tạo nên sức mạnh để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng tầm với thành phố nghìn năm tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu dân cư văn hóa Phan Huy Ích: Nét đẹp Tràng An

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.