(HNMO)- Chiều 10/11, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT CA TP. Hà Nội cho biết thông tin trên sau ngày đầu tiên xử phạt các lỗi vi phạm hành chính về trật tự ATGT theo NĐ 71 của Chính phủ.
Nhiều người dân bỡ ngỡ và lo lắng về mức phạt cao khi điều khiển phương tiện chưa sang tên đổi chủ |
NĐ 71 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 34 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay (10/11). Dù mức xử phạt của nhiều nhóm vi phạm trong NĐ 71 đã được tăng lên rất nhiều, nhưng nội dung khiến người dân đặc biệt quan tâm là mức xử phạt lên tới 10 triệu đồng đối với chủ sở hữu phương tiện không làm thủ tục sang tên, đổi quyền sở hữu.
Giải đáp những thắc mắc này của người dân, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, Thông tư 36 của Bộ CA đã quy định rõ việc đăng ký xe sau 30 ngày mua bán thì phải sang tên đổi chủ. Sau 30 ngày đó, nếu không làm thủ tục này, khi CSGT phát hiện sẽ tiến hành xử phạt.
Trong trường hợp xe mua bán, cho tặng đã qua nhiều chủ thì người cuối cùng sẽ phải có đầy đủ chứng từ mua bán, cho tặng, hợp lệ theo quy định. Sau khi đóng thuế trước bạ với cơ quan thuế, chủ xe phải đi làm thủ tục sang tên đổi chủ với mức lệ phí không cao như đăng ký lần đầu.
Những thủ tục, giấy tờ có liên quan phục vụ cho việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu phương tiện đều đã được quy định cụ thể tại Chương 3 của Thông tư 36 Bộ CA. Người dân có thể tham khảo thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên mạng Internet.
Trong những ngày đầu thực hiện NĐ 71, CSGT tập trung tuyên truyền, nhắc nhở và chưa xử phạt |
Riêng đối với chủ sở hữu phương tiện muốn làm thủ tục sang tên đổi chủ nhưng lại bị mất, không có những giấy tờ có liên quan đến phương tiện hoặc chủ cũ thì phải tìm cách liên hệ với chủ cũ để xin lại. Còn nếu không có đầy đủ những giấy tờ trên, đương nhiên phương tiện này không được chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ và cơ quan chức năng không thể nào cấp lại đăng ký được.
Đại tá Thắng cũng nhấn mạnh, đây không phải là lỗi của cơ quan đăng ký, bởi quy định chủ phương tiện phải đi đăng ký, chuyển quyền sở hữu trong khoảng thời gian mua bán xe 30 ngày đã có hiệu lực từ rất lâu tại Thông tư 36 và 37 của Bộ CA ban hành năm 2010. Do mức xử phạt đối với hành vi không sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện theo các văn bản, thông tư trước NĐ 71 còn thấp, do vậy người dân đã không thực hiện. Đối với những phương tiện có giá trị cao, đây còn là hình thức lách luật, trốn thuế.
“Với trường hợp bố mẹ, anh chị em, bạn bè cho nhau mượn phương tiện lưu thông trên đường, theo Luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện phải theo mình bằng lái xe, đăng ký phương tiện (với mô tô) và sổ kiểm định an toàn kỹ thuật (với ô tô).
Khi người điều khiển phương tiện không vi phạm Luật giao thông thì sẽ không bị xử lý. Nếu vi phạm nhưng vẫn có đủ 3 loại giấy tờ trên thì CSGT chỉ xử phạt lỗi lái xe mắc phải mà thôi. Còn trường hợp lái xe không có đủ 3 loại giấy tờ trên và mắc phải những lỗi buộc phải tạm giữ phương tiện, đăng ký thì đương nhiên CSGT sẽ thực hiện đúng quy định” - Đại tá Thắng nhấn mạnh.
Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, trước ngày 10/11, trong ngày đầu tiên thực hiện NĐ 71, ý thức tham gia giao thông của người dân đã có biến chuyển. Tình trạng vi phạm giao thông như sai làn đường, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng được các đội tuần tra kiểm soát kiểm tra và xử lý.
Tính đến 17h chiều nay, lực lượng CSGT CATP đã lập biên bản xử lý 317 trường hợp vi phạm các quy định về Luật giao thông đường bộ. Trong đó, vi phạm về tốc độ là 55 trường hợp; dừng sai làn đường 29 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 18 trường hợp…
Trong những ngày đầu thực hiện mức xử phạt theo quy định mới, lực lượng CSGT sẽ không xử phạt mà tập trung tuyên truyền phổ biến đối với những người ngoại tỉnh, người lớn tuổi, học sinh sinh viên, phụ nữ… lần đầu vi phạm. Tuy nhiên, nếu tái phạm từ lần thứ 2 sẽ bị xử lý nghiêm.
Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng khuyến cáo, người dân khi mua bán phương tiện dù giá trị tài sản có lớn hay nhỏ thì đều phải thực hiện đăng ký, chuyển quyền sở hữu. Điều này không những giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng quản lý phương tiện, thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT mà người dân còn chứng minh, bảo vệ được quyền sở hữu hợp pháp của mình khi cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.