Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không xử phạt doanh nghiệp từ chối ký kết thỏa ước lao động tập thể

Hà Phong| 24/04/2021 10:45

(HNMO) - Nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về lao động cho đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động, qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, sáng 24-4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Những điểm mới liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021".

Quang cảnh buổi giao lưu.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) và bà Tô Thị Kim Định, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đông Anh tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động.

Liên quan đến câu hỏi, nếu doanh nghiệp từ chối ký kết thỏa ước lao động tập thể thì bị xử lý thế nào, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) cho biết, thỏa ước lao động tập thể được ký kết dựa trên sự đàm phán, thương lượng giữa công đoàn và chủ sử dụng lao động. Khi công đoàn đề nghị thì chủ doanh nghiệp phải thực hiện đàm phán, thương lượng; sau khi ký kết, hai bên buộc phải thực hiện vì thỏa ước chính là “bộ luật con” trong doanh nghiệp. Hiện không có quy định xử phạt doanh nghiệp từ chối ký kết thỏa ước lao động tập thể vì thỏa ước là sự thương lượng, đàm phán, nhưng Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khuyến khích phát huy vai trò của công đoàn cơ sở trong việc đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động để ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động.

Với phản ánh từ người lao động công tác ở Trường Mầm non Kim Chung (huyện Đông Anh) về việc một số cán bộ, giáo viên đã đủ tuổi về hưu nhưng số năm đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu 1, 2 năm mới đủ điều kiện nhận trợ cấp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bà Tô Thị Kim Định, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đông Anh khẳng định: Theo quy định, người lao động hết tuổi lao động, nếu đã đóng tối thiểu 15 năm (120 tháng) thì có thể liên hệ với cơ quan bảo hiểm để đóng 1 lần cho những năm còn thiếu…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không xử phạt doanh nghiệp từ chối ký kết thỏa ước lao động tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.