(HNM) - Tại Việt Nam,
Do dự vì dư luận
Trên trang facebook có tên “vaccine nên hay không?” thu hút khoảng 10.000 người theo dõi, thảo luận về việc có nên cho trẻ tiêm ngừa vắc xin. Trang này thường xuyên dẫn các bài báo phản ánh một vài trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin, và một số bài báo nước ngoài về việc trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển sau khi tiêm ngừa.
Trẻ em được tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ sức khỏe. |
Những thông tin này trên trang facebook đã thu hút hàng trăm phụ huynh tham gia thảo luận và không ít người lựa chọn quyết định không tiêm ngừa cho con. Điển hình là D.L, thành viên trên trang facebook cho biết, qua tham khảo các ý kiến trong hội, cô đã quyết định ngừng tiêm mũi thứ 3 vắc xin viêm não Nhật Bản cho con.
Không chỉ trang facebook trên, lúc con chào đời, một phụ huynh tên P.V đã được y tá hỏi tiêm phòng viêm gan B ngay cho bé. Trong khi đang phân vân do thông tin trên mạng, P.V đọc được cuốn sách của Tổ chức giải phóng tiêm chủng (Vaccination Liberation) nội dung đề cập đến tai biến tiêm chủng, và việc bác sĩ bắt tay với các công ty sản xuất vắc xin... P.V quyết định không cho con tiêm ngừa và còn dịch cuốn sách này cho các phụ huynh tham khảo, thu hút hơn 1.000 lượt chia sẻ trên cộng đồng mạng.
Ngoài ra, mạng xã hội tiếp tục sinh ra nhiều diễn đàn khác cùng đề cập về tác hại của tiêm vắc xin như “Hội các mẹ mang thai lần đầu”, “Hội nuôi con bằng sữa mẹ” đã gây hoang mang không nhỏ cho các ông bố bà mẹ.
Trái ngược lại với "không khí" trên mạng, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, số trẻ nhập viện do các bệnh truyền nhiễm đang tăng lên nhanh chóng. Từ đầu năm 2017 đến nay bệnh viện tiếp nhận trên 30 ca trẻ bị viêm não Nhật Bản, trong đó có 10 em phải thở máy. Năm nay, trẻ bị viêm não nặng phải thở máy nhiều hơn, để lại di chứng nặng nề, một số trẻ sẽ phải sống thực vật, chậm phát triển trí tuệ, động kinh, yếu liệt chi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Có khoảng 80% trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện do không được tiêm ngừa vắc xin".
Cần tỉnh táo
Phần lớn các phụ huynh tham gia "chống đối" việc tiêm ngừa vắc xin ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nơi mà việc tiêm ngừa, lịch tiêm chủng cho trẻ được kiểm soát tốt. Do đó, có thể một số cháu không được phụ huynh tiêm ngừa nhưng không mắc bệnh. Các phụ huynh này cho rằng, thành quả này do họ nuôi con tốt, để con tự sinh ra kháng thể. Thực tế, theo các chuyên gia dịch tễ thì các em bé này may mắn sinh sống ở trong cộng đồng tiêm ngừa đầy đủ, nên không có nguồn lây nhiễm.
Theo ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, phòng ngừa dịch bệnh mang tính cộng đồng. Có thể thời điểm này phụ huynh sinh ra con khỏe mạnh, tình hình dịch bệnh chưa nhìn thấy nên do dự, không tiêm phòng cho trẻ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh nói: “Chống đối hay không tiêm ngừa vắc xin sẽ rất nguy hiểm nếu để kéo dài. Bởi dịch bệnh truyền nhiễm trước đây đã được thanh toán có thể sẽ quay trở lại. Lúc đó, y tế tuyến cơ sở có thể trở tay không kịp, số lượng trẻ tử vong, chịu di chứng sẽ tăng lên nhanh chóng”.
Thực tế cho thấy, dịch sởi năm 2014 đã khiến 100 trẻ em tử vong. Đây là căn bệnh trước đây đã được thanh toán nhờ vắc xin, thế nhưng do tâm lý lo sợ tai biến tiêm chủng, nhiều phụ huynh đã không đưa con đi tiêm ngừa dẫn đến hậu quả đau lòng.
Kêu gọi phụ huynh tiêm phòng vắc xin cho con, không ủng hộ "phong trào" chống tiêm vắc xin, nhưng ông Phan Trọng Lân cũng bày tỏ: “Ngược lại, ngành Y tế phải nhìn nhận đúng mức tác động của thông tin đa chiều, khiến phụ huynh do dự. Chúng ta phải thuyết phục phụ huynh bằng các bằng chứng khác, đặc biệt là hiệu quả chủ yếu và rất rõ ràng của vắc xin qua thời gian dài”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.