Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm

Hà Vũ| 13/03/2022 07:27

(HNMO) - Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào một chức danh lãnh đạo, quản lý. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng.

Đây là một trong những nội dung trong Hướng dẫn số 16-HD/BTCTƯ (Hướng dẫn 16) ngày 15-2-2022 của Ban Tổ chức Trung ương về “Một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ”. Hướng dẫn nhằm giúp thực hiện Quy định số 50-QĐ/TƯ ngày 27-12-2021 của Bộ Chính trị về “Công tác quy hoạch cán bộ”. Hướng dẫn gồm 4 phần, nêu rõ 3 vấn đề cần quan tâm trong thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, 12 nội dung cụ thể, 3 lưu ý về quản lý và sử dụng quy hoạch.

Rà soát nguồn và 4 tiêu chí đánh giá cán bộ

Theo Hướng dẫn 16, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ tình hình thực tế đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng nhiệm kỳ và định hướng nhiệm kỳ kế tiếp; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ.

Để thực hiện công tác quy hoạch, trên cơ sở tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trong nhiệm kỳ và định hướng nhiệm kỳ tiếp theo, cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị phải chỉ đạo rà soát, đánh giá nguồn cán bộ đương nhiệm theo cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện để chuẩn bị nguồn nhân sự trước khi tiến hành công tác quy hoạch cán bộ; đồng thời phải đánh giá cán bộ theo 4 tiêu chí.

Trong đó, ngoài các tiêu chí như phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện trách nhiệm nêu gương; năng lực công tác; uy tín, phải đánh giá được chiều hướng, triển vọng phát triển.

Ban Tổ chức Trung ương cũng lưu ý thực hiện phương châm quy hoạch "động" và "mở". Trong đó, quy hoạch "động" là định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc uy tín thấp và kịp thời bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, triển vọng phát triển.

Quy hoạch "mở" được hiểu là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà cần mở rộng nguồn cán bộ từ nơi khác để đưa vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Hướng dẫn 16 cũng nêu rõ, quy hoạch cán bộ phải coi trọng chất lượng, không vì số lượng, cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có biện pháp hiệu quả để phấn đấu thực hiện cơ cấu ba độ tuổi (khoảng cách giữa các độ tuổi là 5 năm), tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Chưa nhất thiết phải đáp ứng ngay các tiêu chuẩn

Cũng theo Hướng dẫn 16, về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ trường hợp nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng) và các chức danh lãnh đạo, quản lý phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan Đảng ở Trung ương theo quy định hiện hành của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (không bao gồm chức danh ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương).

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của mình theo quy định hiện hành của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. 

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được tờ trình, hồ sơ nhân sự, cấp có thẩm quyền phải xem xét, phê duyệt quy hoạch theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền có thể kéo dài thời gian nhưng không được quá 15 ngày làm việc.

Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu ví dụ cụ thể để thực hiện các nội dung quan trọng như “Chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm”, “Lấy quy hoạch các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý, bảo đảm đồng bộ với các chủ trương, quy định của Đảng về bố trí cán bộ”.

Liên quan đến các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, đáng chú ý, Ban Tổ chức Trung ương đã nêu ví dụ cụ thể cho việc thực hiện quy định: “Chưa nhất thiết phải đáp ứng ngay các tiêu chuẩn: Kinh qua chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp dưới, trình độ quản lý nhà nước...”.

Ví dụ, đối với quy hoạch chức danh phó bí thư tỉnh ủy, tại thời điểm xem xét quy hoạch, nhân sự không nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ một số tiêu chuẩn sau: Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp huyện); có trình độ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.

Hướng dẫn 16 cũng làm rõ, có ví dụ cụ thể về các nội dung cần thiết và hay có nhiều thắc mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch cán bộ như “phương pháp tính tuổi quy hoạch”, “hệ số, số lượng chức danh quy hoạch”, “số lượng chức danh quy hoạch lãnh đạo, quản lý”...

“Căn cứ vào kết quả phê duyệt quy hoạch, tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh quy hoạch và yêu cầu, nhiệm vụ, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để cán bộ phấn đấu, rèn luyện, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh quy hoạch theo quy định”, Hướng dẫn 16 cũng nêu rõ.

Liên quan đến việc chuyển tiếp quy hoạch, đáng chú ý, Hướng dẫn 16 nêu, đối với các trường hợp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch của nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026, trước thời điểm ban hành Quy định số 50-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị, thì quyết định quy hoạch vẫn còn giá trị.

Đối với các trường hợp đã thực hiện xong quy trình rà soát, bổ sung nhưng chưa phê duyệt quy hoạch thì cấp có thẩm quyền phải rà soát, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, hệ số theo Quy định số 50-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị trước khi xem xét phê duyệt quy hoạch.

Về thời điểm quy hoạch cán bộ

Xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện một lần vào năm thứ hai của nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch của nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp trong quý I và báo cáo kết quả phê duyệt quy hoạch trong quý II, chậm nhất tháng 6; trường hợp rà soát, bổ sung quy hoạch lần thứ 2 trong năm phải báo cáo ít nhất sau 30 ngày kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt quy hoạch.

Đối với các tổ chức hội, đoàn thể nhân dân khác được Đảng, Nhà nước giao biên chế, việc xây dựng quy hoạch đầu nhiệm kỳ và rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cũng thực hiện tương tự như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.