Sau khi nghe công bố môn thi tốt nghiệp, nhiều học sinh (HS) đã chỉ tập trung vào những môn sẽ thi. Sách vở của các môn phụ, môn không thi bị… bỏ xó cho dù vẫn còn bài kiểm tra học kỳ. Các em có suy nghĩ gì về thái độ học tập thiếu nghiêm túc này?
Em Hoàng Thu Ngà, (HS lớp 12H, Trường THPT Ngọc Hồi):
- Thực ra, HS bọn em luôn có suy nghĩ "không thi là… không cần phải học". Không phải chỉ ở lứa tuổi THPT mà các cấp nhỏ hơn cũng vậy, hễ thầy cô giáo thông báo phần kiến thức nào được giới hạn không có trong đề thi thì chúng em sẽ bỏ luôn phần kiến thức đó. Thậm chí, nhiều bạn còn có suy nghĩ "thi gì học nấy", môn nào quan trọng, kiến thức trọng điểm thì mới học, còn nếu không quan trọng thì sẽ bỏ để đỡ mất thời gian. Do đó, ngoài những môn chính khóa bắt buộc phải học còn các môn như lịch sử, địa lý, sinh vật… bọn em chỉ học qua quýt thôi. Nếu không phải thi mấy môn này thì… tốt quá.
Em Phạm Văn Minh (HS lớp 11D, Trường THPT Đống Đa):
- Em thấy đa phần các anh chị lớp 12 đều có suy nghĩ "học gì thi nấy" hoặc xác định ngay từ đầu năm là chỉ chú trọng vào 3 môn thi đại học. Em không đồng tình với quan điểm này vì điều đó thể hiện tinh thần học tập thiếu nghiêm túc. Dù là không thi đại học hay không thi tốt nghiệp thì với trách nhiệm của một HS, chúng ta vẫn phải học. Các môn lịch sử, địa lý, sinh vật cũng rất bổ ích, cho dù không thi thì cũng không nên xem nhẹ các môn học này. Nếu HS nào cũng có suy nghĩ "không thi thì không cần học" hoặc bỏ qua những môn phụ thì sau này, chúng ta đâu còn những nhà sử học uyên bác, những giáo sư nghiên cứu về địa lý, sinh vật để tìm ra các nghiên cứu hữu ích cho toàn nhân loại.
Cô Hoàng Kim Thu (Giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều):
- Hằng năm, cứ đến giai đoạn đầu học kỳ 2 là HS lớp 12 lại chờ quyết định của Bộ GD và ĐT về môn thi tốt nghiệp để học "khoanh vùng". Bởi nhiều HS lớp 12 đều có tư tưởng "học lệch" khi chỉ chú tâm học 3 môn phục vụ cho các kỳ thi đại học, cao đẳng sau này. Vì vậy, HS thường chỉ học đối phó, qua loa đối với các môn khác, cốt sao đủ điểm thi tốt nghiệp. Thậm chí, sau khi biết danh sách 6 môn thi tốt nghiệp, môn nào không thi thì các em sẽ bỏ sách vở, tài liệu môn đó đi. Thay vì học thực chất, học theo đúng nghĩa để lấy kiến thức thì các em lại có suy nghĩ chỉ học để đối phó với thi cử: học để thi, không thi thì không học.
Tuy nhiên, đây cũng là lỗi của một bộ phận thầy cô giáo quá coi trọng thành tích, luôn "giới hạn" môn học tạo cho HS thói quen xấu chỉ cần cố sức học phần có trong đề thi để đạt điểm cao nhất. Do đó, các thầy cô cần đổi mới cách dạy, cách ra đề sao cho mỗi em HS sẽ tự tạo cho mình thói quen học tập và trau dồi không ngừng nghỉ, không có tư tưởng môn chính, môn phụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.