Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể tự sụp đổ

Vân Khanh| 22/07/2011 07:09

(HNM) - Cắt giảm chi tiêu đến 6.000 tỷ USD, trong đó có 111 tỷ USD ngân sách tài khóa 2011-2012, đảng Cộng hòa kiên quyết theo đuổi quan điểm nước Mỹ phải giảm chi tiêu bằng dự luật vừa được thông qua (ngày 20-7, giờ Việt Nam) tại Hạ viện với 234 phiếu thuận và 190 phiếu chống.



Dù còn cần phải nhận được sự đồng tình của Thượng viện và Tổng thống Barack Obama vốn ủng hộ giải pháp phải tăng chi để kích thích nền kinh tế, đề xuất của nhóm "Bộ 6" Hạ nghị sỹ đã làm lóe lên hy vọng về một lối thoát đã mở cho những bế tắc trong việc nâng mức trần nợ tại Mỹ.

Chứng khoán toàn cầu ngập sắc xanh theo Phố Wall, sau thông tin về dự luật ngân sách của Hạ viện Mỹ.

Đã có không ít ngờ vực về khả năng Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ thay đổi lập trường trong khi Tổng thống B.Obama chỉ chấp thuận đề án cắt giảm 3.700 tỷ USD ngân sách. Song, cũng có không ít ý kiến trái ngược với niềm tin sẽ phải có một sự thỏa hiệp trước khi cuộc giằng co giữa Con Lừa (đảng Dân chủ) và Con Voi (đảng Cộng hòa) chiếm hết quỹ thời gian tránh vỡ nợ - (trước ngày 2-8) - không còn nhiều của nước Mỹ. Với dự luật vừa được Hạ viện thông qua, phe Dân chủ và người đứng đầu Nhà Trắng sẽ phải cân nhắc câu trả lời tiếp theo nếu muốn có thêm những lá phiếu ủng hộ đề xuất nâng mức trần nợ thêm 2.400 tỷ USD.

Vẫn biết rằng cắt giảm ngân sách sẽ là cú sốc với các chương trình phúc lợi xã hội mà đảng Dân chủ theo đuổi ngay từ khi tranh cử. Thế nhưng, trong điều kiện mức nợ của nước Mỹ đã lên kịch trần 14.300 tỷ USD, nếu không chia sẻ quan điểm của những nghị sỹ Cộng hòa rằng phải tiết kiệm để giảm nhẹ nợ nần và không tăng thuế, nguy cơ quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh mất khả năng thanh toán sau ngày 2-8 không phải là chuyện không thể. Đặc biệt khi đảng Cộng hòa đã bóng gió việc sẽ chấp nhận một thông báo vỡ nợ mang tính kỹ thuật để những người Dân chủ phải bước vào những cuộc thảo luận về đường lối ngân sách theo một cách thức khác.

Hiện tại, dự luật đúng như tên gọi "Cắt giảm, giới hạn và cân bằng" nhằm hạn chế chi tiêu của Chính phủ ở mức khoảng 20% GDP, sửa đổi Hiến pháp để buộc Chính phủ không được phép chi nhiều hơn thu... vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, cuộc "so găng" giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ được cho là đã vượt qua cao trào gay cấn nhất.

Mọi ánh mắt đang dõi theo động thái của người đứng đầu nước Mỹ thuộc đảng Dân chủ. Song, đến lúc này lòng tin nước Mỹ không thể tự đẩy mình vào quẫn bách một lần nữa. Không chỉ với những nhà đầu tư đã chi 38 tỷ USD mua nợ Chính phủ Mỹ trong năm tháng qua để nâng tỷ lệ vốn nắm giữ lên 4.510 tỷ USD, hãng xếp hạng tín dụng Fitch cũng đi ngược lại đánh giá của hai "đồng nghiệp" Moody's và S&P để đặt cược vào tiềm lực tài chính của cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Tất nhiên, sự lạc quan này không phải là viển vông. Ngay cả những người thận trọng nhất cũng chưa bao giờ nghĩ đến kịch bản, Chính phủ của Tổng thống B.Obama hết tiền chỉ vì mâu thuẫn thu chi nội bộ. Trên thực tế, chủ đề nâng trần nợ không chỉ nóng lên một lần trong những năm gần đây và lần nào cũng vậy, bờ vực nguy hiểm lại rời xa nước Mỹ. Bằng chứng là, xứ Cờ hoa đã nâng trần nợ 3 lần kể từ khi vị Tổng thống da màu đầu tiên lên nắm quyền. Và như thế cũng đủ cơ sở để tin rằng nhiệm vụ lần thứ tư này sẽ được hoàn thành bằng mọi giá.

Do đó, niềm tin rằng chính quyền Mỹ sẽ lại bẻ lái thành công tạo thêm niềm hứng khởi cho các thị trường toàn cầu đang ngóng trông những tín hiệu tích cực dù là nhỏ nhất từ Washington. Vàng, ngay lập tức rơi khỏi ngưỡng kỷ lục 1.600 USD, thị trường chứng khoán Phố Wall khởi sắc để tiếp thêm sinh khí cho cổ phiếu châu Á và châu Âu. Chừng đó đủ cho thấy một sự thật chưa thể thay đổi là bất kỳ sự chuyển động nào của nền kinh tế quán quân thế giới cũng có sức ảnh hưởng ghê gớm trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, giới đầu tư càng có thêm lý do để hy vọng Mỹ sẽ không thể tự gây sụp đổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể tự sụp đổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.