Lễ hội chùa Đồng (Yên Tử)
(HNMO)- Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, có rất nhiều lễ hội diễn ra trên khắp các tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu là ở lễ hội của địa phương có các khu di tích,đền, chùa nổi tiếng. Các khu di tích, du lịch luôn bị rơi vào trong tình trạng quá tải. Cũng chính vì vậy, công tác quản lý văn hóa lễ hội trở nên rất phức tạp.
Ngay trong đầu tháng 2/2010, Bộ VH,TT&DL đã có chị thị, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích. Yêu cầu chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại còn phát sinh trong lễ hội để phục vụ tốt cho nhân dân tham gia lễ hội.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2010 của Bộ VH, TT&DL chiều ngày 16/3/2010, ông Vũ Xuân Thành- Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Công tác quản lý văn hóa, lễ hội là vấn đề hết sức phức tạp, và không chỉ một ngành văn hóa là có thể làm được. Những vấn đề phức tạp từ lễ hội nảy sinh đều do ý thức người dân, vì vậy, để chấn chỉnh văn hóa lễ hội thì không thể sốt ruột, bảo một là một, bảo hai là hai được mà cần có thời gian để vận động, để nâng cao ý thức người dân.
Nhìn chung, việc tổ chức lễ hội năm nay tốt hơn so với các năm trước, công tác tuyên truyền được chú trọng ngay từ khâu chuẩn bị và ngay trong thời gian lễ hội, việc tổ chức lễ hội ở các địa phương đều được chuẩn bị chu đáo. Cảnh quan vệ sinh môi trường đều được chỉnh trang sạch đẹp. Hầu hết các di tích đã thực hiện hiệu quả việc quản lý tiền công đức, tiền đặt lễ (do đó tình trạng giắt tiền lên nải quả, tay tượng, ném tiền xuống giếng...) thay bằng các hòm mới bằng gỗ kín đáo, đẹp hơn…
Bên cạnh đó, Ban tổ chức lễ hội các địa phương đã tăng cường lực lượng bảo vệ, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động văn hoá, dịch vụ, ngăn chặn kịp thời các tệ nạn nảy sinh trong lễ hội...Tu sửa khu vực trong và ngoài khuôn viên nơi tổ chức lễ hội, di tích để phục vụ nhân dân tham gia trẩy hội, vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch được tăng cường mang lại hiệu quả cao, đáp ứng tiến trình hội nhập, giao lưu quốc tế, nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng dân gian, vui chơi giải trí lành mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia lễ hội.
Đến ngày 12/3, hầu hết các lễ hội đã khai hội đều diễn ra tốt với nội dung phong phú, an toàn, an ninh trật tự được đảm bảo. Các lễ hội đều thu hút lượng lớn du khách tham gia, chùa Hương (Hà Nội) đã đón trên 800.000 khách; Yên Tử (Quảng Ninh) đón gần 700.000 khách; đền Trần (Nam Định) đón 200.000 khách; đền Hùng- đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ) đón trên 1 triệu lượt khách...
Tuy nhiên, Bộ cũng đã thẳng thắn thừa nhận những diễn biến không đẹp trong nhiều lễ hội vừa qua như báo chí đưa tin. Theo đó, do năm nay được nghỉ Tết dài ngày, nên số lượng người đi du lịch, đi lễ tại các đền, chùa đầu năm quá đông trong giai đoạn từ mùng 1 Tết đến ngày Rằm tháng Giêng đã vượt quá khả năng quản lý của Ban tổ chức các lễ hội. Các hiện tượng như ách tắc cục bộ trong ngày khai hội, đốt nhiều vàng mã, sóc thẻ, bói toán, chèo kéo, ép khách, nâng giá hàng quá mức, chen lấn xô đẩy tại lễ hội trong những ngày đầu xuân vẫn còn xảy ra ở một vài nơi.
Trả lời một số thắc mắc của báo chí về việc quy định mỗi đền chùa chỉ nên đặt 1 hòm công đức, ông Vũ Xuân Thành- Chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết: “Bộ không hề có văn bản nào quy định mỗi đền, chùa chỉ được đặt 1 hòm công đức, vì đây là vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, hơn nữa chúng ta đang kêu gọi ý thức người dân không nên đặt tiền lễ (giọt dầu) lên bàn thờ, cài vào tay Phật, thì cũng nên có hòm công đức để người dân đặt vào. Ngoài ra, có ý kiến cho răng, hiện nay một số khu di tích có tình trang bị bê tông hóa là không đúng. Tôi khẳng định không có bê tông hóa đối với các di tích gốc, còn lại một số khu dịch vụ như đường đi, bãi đỗ xe thì làm điều đó là cần thiết để khu di tích sạch đẹp hơn, nhưng miễn là làm sao bê tông nhưng có tính mỹ thuật phù hợp với cảnh quan di tích đó thì đều ủng hộ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.