Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể “đánh trống bỏ dùi”

Nguyễn Đức| 06/11/2012 07:28

(HNM) - Từ ngày 20-9-2011, TP Hà Nội tổ chức tách làn phương tiện trên tuyến Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài, sau đó nhân rộng thêm  ở 3 tuyến khác, gồm Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Xã Đàn.

Thời gian đầu việc tách làn đã thu kết quả tích cực, nhưng sau hơn một năm, trên các tuyến này tình trạng "nhầm làn" lại diễn ra, nhất là xe máy. Điều này không chỉ gây lãng phí về tiền bạc mà còn làm nhờn luật. Đã đến lúc đánh giá, phân tích lại kỹ lưỡng nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan chức năng, không thể chấp nhận mãi kiểu "đánh trống bỏ dùi".

Vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm lấn làn trên tuyến Phố Huế - Hàng Bài. Ảnh: Trọng Đảng

Lãng phí tiền tỷ

Phải khẳng định việc tổ chức tách làn phương tiện không phải là sáng kiến mà đã được quy định rõ ràng trong Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, giao thông Hà Nội vốn phức hợp nhiều loại phương tiện, hạ tầng quá tải, ý thức người dân hạn chế nên việc lấn làn thường xuyên diễn ra. Ngay từ năm 2003, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ tách làn trên tuyến Kim Mã song không đạt kết quả mong muốn. Năm 2006, cơ quan này tiếp tục hỗ trợ thí điểm tách làn trên tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt. Với quyết tâm rất cao, lực lượng chức năng được "rải" khắp phố để hướng dẫn xe đi đúng làn và hiệu quả cũng thật ấn tượng. Ô tô đi làn ô tô, xe máy đi làn xe máỵ. Nhưng chỉ được thời gian đầu, khi "vắng bóng" lực lượng chức năng, lộn xộn lại tái diễn. Năm 2009, cơ quan chức năng lại tách làn trên đường Giải Phóng, nhưng kết quả cũng rất hạn chế.

Từ năm 2011, Sở GTVT Hà Nội đề xuất duy trì trở lại việc tách làn trên các phố đã triển khai trước đây, đồng thời thực hiện thêm ở một số tuyến khác. Đợt tách làn lần này sử dụng ngân sách. Thành phố rất quyết tâm, chỉ đạo các lực lượng chức năng nghiêm túc rút kinh nghiệm những lần thí điểm trước, khắc phục hạn chế để chấn chỉnh lộn xộn giao thông đô thị. Hàng tỷ đồng đã được "đổ" xuống đường để kẻ vẽ lại, đắp dải phân cách chia làn… trên tuyến Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Xã Đàn. Lực lượng chức năng được tung ra đường "đánh vật" với ý thức người tham gia giao thông. Những nỗ lực đó đem lại kết quả rõ rệt. Dòng phương tiện lưu hành thuận lợi, giảm xung đột, va chạm, bước đầu hình thành cách ứng xử văn minh trong giao thông. Nhưng đến nay, tình hình giao thông trên 5 tuyến trên không còn được như trước. Việc tổ chức tách làn như vậy là thất bại, không chỉ lãng phí tiền tỷ mà còn làm người dân "nhờn" luật hơn.

Cần tổ chức thực hiện nghiêm túc

Thất bại của những lần thí điểm tách làn trước đây là do cách thức tiếp cận và tổ chức thực hiện chưa đủ quyết liệt, trường kỳ tạo nên hiệu ứng xã hội. Đáng tiếc, hạn chế này đã không được xem xét và rút kinh nghiệm trong đợt tổ chức tách làn chính thức vừa qua. Tách làn phương tiện lần nào cũng có hiệu quả tức thời, nhưng chưa bền vững trước hết là do cơ quan chức năng "đánh trống, bỏ dùi", thiếu nghiêm túc, chưa quy trách nhiệm rõ ràng. Chính quyền địa phương được yêu cầu tham gia phối hợp nhưng khá hời hợt. Không hiểu thất bại của việc tách làn ở 5 tuyến trên có phải là nguyên nhân khiến việc triển khai thực hiện ở 3 tuyến khác gồm: Hoàng Quốc Việt, Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư và Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) vẫn chưa được tiến hành, dù UBND TP đã có văn bản chấp thuận phương án của Sở GTVT gần 1 năm nay với tổng kinh phí hơn 7,55 tỷ đồng.

Tuy đã tách làn, nhưng tình trạng lấn làn vẫn thường xuyên xảy ra. Ảnh: Như Ý

Rõ ràng, tách làn là thách thức không nhỏ với các cơ quan chức năng bởi cơ sở hạ tầng, ý thức giao thông chưa được cải thiện nhiều, phương tiện cá nhân lại tăng mạnh, nhưng thật khó chấp nhận liên tục thất bại sau khi đạt thắng lợi ban đầu, từ làm thí điểm đến làm thật. Trước đây, các cơ quan chức năng cho rằng, mức xử phạt hành chính nhẹ, chưa đủ để răn đe. Tuy nhiên, Nghị định 34/2010/ NĐ-CP ra đời và mới đây là Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 34 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã nâng đáng kể mức phạt, trong đó có lỗi đi không đúng làn đường. Để thay đổi ý thức người dân, rõ ràng không thể trông chờ vào tuyên truyền, giáo dục mà phải kết hợp với kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc nhằm chấn chỉnh, thay đổi ý thức của người tham gia giao thông. UBND TP cũng đã yêu cầu xử lý thật nghiêm vi phạm. Nếu cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, gửi danh sách về nơi công tác để phối hợp xử lý. Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan trực thuộc TP cơ quan chức năng còn gửi danh sách vi phạm về Sở Nội vụ để tổng hợp, đánh giá thi đua các đơn vị.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Thiết nghĩ, trước hết, chính các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần xem xét, chấn chỉnh ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chủ trương tách làn, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực giao thông đô thị.

Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ô tô đi không đúng phần đường, làn đường quy định bị xử phạt từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng; mức phạt cho lỗi tương tự dành cho mô tô, xe máy là từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể “đánh trống bỏ dùi”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.