(HNM) - Có thể nói "tham nhũng" là từ được dùng nhiều nhất trong các ấn phẩm báo chí năm qua. Sở dĩ như vậy vì chống tham nhũng là vấn đề "nóng" trong đời sống xã hội...
Tham nhũng được nói đến, được mổ xẻ ở bất cứ đâu, trong các nghị quyết, hội nghị Trung ương Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các kỳ họp Chính phủ và dư luận công chúng đều nhắc đến tệ nạn này và vấn đề phòng, chống tham nhũng. Đã từ lâu, việc "chống tham ô, lãng phí, quan liêu" đã được nêu ra như ngọn cờ chiến đấu nhưng có lẽ chưa bao giờ vấn đề chống tham nhũng, lãng phí lại quyết liệt, bài bản như trong năm 2013 vừa qua.
Về chiến lược, chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và các nghị quyết tiếp theo sau đó; phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Về tổ chức, Đảng ta đã triển khai hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, thành lập lại Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Về pháp luật, Quốc hội đã thông qua với số phiếu tán thành gần như tuyệt đối Hiến pháp 1992 sửa đổi và hàng loạt văn bản luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Để thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, năm 2013, Chính phủ đã ban hành 158 nghị định, 182 nghị quyết, 80 quyết định liên quan đến chống tham nhũng. Cũng về vấn đề này, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành 2.588 văn bản, hủy bỏ hoặc sửa đổi 1.351 văn bản, thanh tra 4.713 cuộc. Ngành thanh tra đã thanh tra hành chính 4.474 cuộc, thanh tra chuyên ngành 131.749 cuộc đối với 287.325 tổ chức và cá nhân, qua thanh tra phát hiện 12.639 tỷ đồng vi phạm và 1.438ha đất…
Gần đây đã diễn ra các phiên tòa xét xử 3 trong số 8 vụ án “đại tham nhũng”. Các bị cáo chủ mưu trong các vụ án ở Công ty Cho thuê tài chính II (ACL-II) thuộc Ngân hàng NN và PTNT, Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đều là những người giữ cương vị lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước. Số tiền họ tham ô và gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đều là tiền của Nhà nước. Họ đã phải nhận những bản án nghiêm khắc (phạt tù hoặc tử hình), nhưng số tiền của dân mà họ tham ô và làm thất thoát khó có thể thu hồi được hoàn toàn.
Rõ ràng, những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và đang thực hiện, những con số về tiền thu hồi từ những người tham nhũng, những vụ án đã hoặc sẽ được đưa ra xét xử... đã cho thấy Đảng và Nhà nước ta rất quyết tâm và nỗ lực đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Trong quá trình tiến hành cuộc đấu tranh khó khăn và phức tạp ấy, Đảng và Nhà nước ta luôn gặp các trở lực của những lợi ích nhóm, sự chống phá của các đối tượng tham nhũng. Tuy nhiên, không một trở lực nào có thể ngăn cản được quyết tâm. Nhưng mặt khác, cũng phải thừa nhận rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và cũng chưa xuất hiện những dấu hiệu thắng lợi áp đảo. Cuộc chiến chống tham nhũng còn rất lâu dài, lực lượng tham nhũng luôn dùng thủ đoạn tinh vi nên rất khó bị phát hiện. Nếu chúng ta lơi lỏng hoặc thỏa mãn thành tích, chúng sẽ trỗi dậy, Đảng sẽ mất lòng tin của dân, chế độ bao thế hệ đã hy sinh để gây dựng và bảo vệ sẽ bị suy yếu. Vậy nên, phải hết sức kiên quyết, không được lơi lỏng dù chúng ta đã đạt được những thành công. Chống tham nhũng là công việc cực kỳ khó khăn, gian khổ, nhưng không thể chùn bước. Bởi vậy, phải quyết tâm, kiên trì và áp dụng các phương pháp mang tính khoa học cao nhất.
Tham nhũng là vấn đề toàn cầu, càng ở các nước phát triển, tham nhũng càng lớn, càng tinh vi phức tạp. Nhưng tại sao ở một nước nghèo như Việt Nam vấn đề tham nhũng lại gây bức xúc trong xã hội nhiều hơn? Trong hoạt động xã hội ở Việt Nam, tham nhũng đang rất phổ biến, hầu hết các công việc đều nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng vặt nhưng nhiều. Giá trị tham nhũng không lớn nhưng từ việc xin một tờ giấy chứng nhận nào đó, vào bệnh viện chữa bệnh, đi xe ra đường đến những chuyện lớn hơn đều gặp vấn nạn tham nhũng và đây là vấn đề nghiêm trọng tác động tiêu cực và trực tiếp gây bức xúc cho người dân. Tiếp theo đó là tham nhũng lớn hơn một chút như tham nhũng trong khi giải quyết việc làm, cấp giấy phép, tham nhũng trong chạy tội, chạy chức… Cao hơn nữa là tham nhũng có tổ chức, thành dây, thành nhóm như những vụ tham nhũng đã được mang ra xét xử vừa qua. Cả hai loại tham nhũng lớn và rất lớn đều khó phát hiện, ít phơi bày ra bên ngoài, ít người biết, bởi lẽ những người tham nhũng luôn nhân danh tổ chức, nhân danh Nhà nước để tham nhũng; họ lấy bình phong Nhà nước để che chắn cho hành vi tham nhũng của mình.
Về khách quan, nước ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, những người thiếu lương tâm, những cán bộ biến chất tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Họ đang đẻ ra triết lý sống chà đạp lên lương tâm, đạo đức. Họ thoái hóa biến chất, tôn vinh lối sống vị kỷ, coi đồng tiền là trên hết, chà đạp cả lý tưởng mà trước đây theo đuổi. Thang bậc thấp của nền kinh tế, trình độ dân trí nói chung chưa cao đồng thời với sự du nhập lối sống coi trọng vật chất từ các nước khác cũng là môi trường cho tham nhũng. Sự yếu kém về trình độ kinh tế, khoa học - công nghệ, thông tin, giáo dục, sự chênh lệch về dân trí giữa các vùng cũng là môi trường của tham nhũng. Nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng lại phụ thuộc vào nguyên nhân chủ quan. Có thể liệt kê những nguyên nhân chủ quan chủ yếu đó:
Thứ nhất, tham nhũng trước hết là do những người mất phẩm chất, những người bị tha hóa gây ra. Năng lực họ có hạn nhưng nhu cầu hưởng thụ luôn vô hạn. Vì phải tìm mọi cách để đáp ứng sự thèm khát được đãi ngộ, được hưởng thụ không có giới hạn (nhân dục vô nhai) đó nên những người mất phẩm chất, những người tha hóa tìm mọi cách để kiếm lợi, nhất là kiếm lợi bằng cách biến của công, của người khác thành của mình.
Thứ hai, là do hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, việc giám sát, thực thi pháp luật chưa nghiêm, cơ chế quản lý vẫn còn thiếu minh bạch, thiếu công khai thông tin, nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng. Tham nhũng - biến công vi tư - là sản phẩm của một xã hội còn chênh lệch lớn giữa giàu và nghèo. Khi có quyền, dù là quyền rất nhỏ như anh cán bộ cơ quan nhà nước, khi không phấn đấu rèn luyện mà lại có nhu cầu hưởng thụ cao hơn người khác thì hành vi tham nhũng nảy sinh. Họ liên kết với nhau, khuynh đảo pháp luật và xã hội, dần dần xa rời nhân dân, phản bội lợi ích của chính những người từng che chở, cưu mang mình.
Thứ ba, hệ thống hành chính rườm rà, cồng kềnh, không phân định trách nhiệm rõ ràng, không thưởng phạt công minh - nhất là trong lĩnh vực kinh tế - đã tạo ra những sơ hở cho tham nhũng.
Thứ tư, chất lượng cán bộ còn yếu kém cả về trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, trong khi đó cơ chế giám sát còn cồng kềnh, kém hiệu quả ở không ít ngành, cơ quan, đơn vị cũng tạo mảnh đất dung dưỡng cho chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, chạy chọt phát triển. Cơ chế xin - cho, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm cũng từ đó mà nảy nở, cũng tạo tiền đề cho tham nhũng.
Thứ năm, chính sách tiền lương và các đãi ngộ khác còn lạc hậu, ít khuyến khích tài năng và hướng con người vào con đường lao động chân chính. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tình trạng bất công, phân hóa xã hội diễn ra khốc liệt và phổ biến, từ đó tạo tâm lý vị kỷ, khôn lỏi, không tham nhũng cũng thiệt...
Nói những điều trên đây để thấy được nguyên nhân tham nhũng ở nước ta cũng như thấy rõ cuộc đấu tranh chống tham nhũng là vô cùng khó khăn, gian khổ. Dù vậy, thực tế cho thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các tiêu cực xã hội vẫn được Đảng và Nhà nước ta thúc đẩy mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, chúng ta không được phép thỏa mãn. Cuộc đấu tranh còn rất dài, rất gian khổ. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ là chúng ta có niềm tin vững chắc vào phẩm chất cách mạng, vào cốt cách của một Đảng cầm quyền vì dân, do dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.