Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phải thuốc điều trị tăng mỡ máu nào cũng bị thu hồi

Xuân Lộc| 05/05/2022 10:24

(HNMO) - Trước thông tin Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin 40mg do có chống chỉ định cho người châu Á, khiến nhiều người bệnh lo lắng, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, không phải thu hồi toàn bộ các loại thuốc có chứa hoạt chất nêu trên.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) chỉ thu hồi đối với thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin 40mg.

Theo đó, thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin được sử dụng cho bệnh nhân tăng cholesterol (mỡ máu) nặng và có nguy cơ cao về tim mạch. Tại Việt Nam, thuốc chứa hoạt chất này gồm các loại có hàm lượng khác nhau như: Rosuvastatin 40mg, Rosuvastatin 20mg, Rosuvastatin 10mg...

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, danh sách thu hồi, dừng lưu hành chỉ thực hiện với các thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin 40mg do không phù hợp với người châu Á. Còn với thuốc chứa hoạt chất này hàm lượng 20mg và 10mg, các cơ sở điều trị trong nước vẫn sử dụng bình thường.

Đại diện Công ty AstraZeneca tại Việt Nam - một trong những đơn vị cung ứng thuốc chứa hoạt chất Rosuvastatin tại Việt Nam cũng xác nhận, công ty không nhập khẩu lưu hành loại thuốc Crestor hàm lượng hoạt chất Rosuvastatin 40mg tại Việt Nam.

Các loại thuốc Crestor của AstraZeneca có hoạt chất Rosuvastatin đang lưu hành tại Việt Nam bao gồm các hàm lượng: 5mg, 10mg và 20mg, đều được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả, thực hành theo Luật Dược, bảo đảm đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa của thuốc theo quy định và được triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện theo quy định của pháp luật. 

Trước lo ngại về việc với những người đã sử dụng Rosuvastatin 40mg có thể gặp phải các tác dụng có hại cho sức khỏe, theo ông Nguyễn Thành Lâm, khi có ghi nhận các trường hợp có tác dụng không mong muốn do thuốc, các bệnh viện, sở y tế sẽ phản ánh đến Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR) hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc thành phố Hồ Chí Minh đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo Cục Quản lý dược, không chỉ thuốc được yêu cầu thu hồi mà tất cả các thuốc được lưu hành trên thị trường đều được theo dõi, báo cáo về các phản ứng có hại. Trong tình huống cần thiết sẽ có hội đồng thuốc xem xét và đưa ra những khuyến cáo phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không phải thuốc điều trị tăng mỡ máu nào cũng bị thu hồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.