(HNM) - Ngày 10-11, Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo
Đối mặt với "hiệu ứng đảo nhiệt"
Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho biết, do điều kiện tự nhiên nên Việt Nam chịu nhiều tác động của BĐKH. Nếu mực nước biển dâng lên khoảng 1m so với hiện nay, 1/3 môi trường sống tự nhiên của Việt Nam sẽ mất đi và Hà Nội chịu tác động không nhỏ.
Đối với Hà Nội, những thách thức nêu trên thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực đô thị hóa và mối quan hệ với các vấn đề xã hội và môi trường, đặc biệt là khi Thủ đô mở rộng với hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ vốn đã không theo kịp nhịp độ phát triển. Đến nay, những quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng và cả những quy chế quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc trước đây không còn phù hợp.
GS-TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Trung tâm KHCN khí tượng, thủy văn và môi trường) cho biết, Hà Nội sẽ chịu "hiệu ứng đảo nhiệt", nhiệt độ khi đó sẽ cao hơn các vùng xung quanh, có thể đạt những kỷ lục mới cùng với sự kéo dài hơn của mùa nóng, sự gia tăng các đợt và số ngày nắng nóng. BĐKH cũng làm cho nhiệt độ thấp nhất hằng năm tăng lên cùng với sự giảm đi của các đợt lạnh, số ngày và sự rút ngắn của mùa lạnh. Tuy nhiên, do tính biến động của nhiệt độ tăng lên, không loại trừ khả năng xuất hiện các đợt lạnh và số ngày lạnh kéo dài kỷ lục. Ngoài ra, tần số phông lạnh (có thể cả cường độ) qua Hà Nội và vùng Đồng bằng Bắc bộ sẽ giảm đi trong các thập kỷ tới, chẳng những làm cho mùa đông ít lạnh hơn mà còn làm giảm lượng mưa trong mùa này, dẫn đến tình trạng hạn hán gia tăng. Các mực nước cực trị do mưa gây ra sẽ đạt những trị số cao hơn trước đây.
GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng (Hội Môi trường đô thị Việt Nam) cho rằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị yếu kém nên Hà Nội dễ bị tổn thương dưới tác động của BĐKH. Nạn úng ngập trong mùa mưa sẽ xảy ra tràn lan và ngày càng nghiêm trọng. Ví dụ: khi lượng mưa đạt 100mm, sẽ có hơn 100 đường phố ở Hà Nội bị ngập nặng.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thiên tai ảnh hưởng tới địa bàn Hà Nội tập trung ở một số dạng như: lũ bất thường trên sông Hồng, sông Đuống, sông Đà; địa hình trũng có tự nhiên thấp nên dễ ngập úng; hạn hán cục bộ do mưa ít; hiện tượng cháy rừng... Có thể thấy rõ ảnh hưởng của BĐKH tác động đến Hà Nội là hiện tượng mực nước sông Hồng những ngày đầu tháng 11-2010 đã cạn rõ rệt. Trước đó, vụ đông xuân 2009-2010, mực nước sông Hồng tại Hà Hội thấp ở mức lịch sử 100 năm trở lại đây, chỉ còn +0,1m (ngày 21-2-2010) so với mực nước biển. Các sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ cạn kiệt, trở thành "sông chết"...
Ứng phó hay thích nghi?
Ông Phạm Văn Khánh cho biết thêm, để ứng phó với BĐKH, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng đề cương nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH của Hà Nội thực hiện trong năm 2010-2011. Theo đó, Hà Nội sẽ khảo sát và thu thập thông tin ưu tiên cho các lĩnh vực y tế, ngập lụt, nông, lâm nghiệp, xây dựng, tài nguyên nước, đất, đa dạng sinh học, chăn nuôi, dịch vụ du lịch. Nhiệm vụ tập trung vào việc đánh giá và dự báo ảnh hưởng của BĐKH đến các đối tượng dễ tổn thương, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp ứng phó và các dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn trước mắt và lâu dài ứng với các kịch bản BĐKH khác nhau.
Ông Đào Anh Dũng (ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc) cho rằng, xét trên khía cạnh cấp thoát nước ở đô thị, BĐKH được nhận thấy rõ qua những hiện tượng xuất hiện ngày càng nhiều như mưa lớn gây ngập lụt mùa mưa và khan hiếm nguồn nước mùa khô. Tại nhiều nước, việc thu gom nước mưa tại đô thị đang rất được quan tâm, đặc biệt là việc xây dựng các công trình lưu trữ nước mưa, điển hình là ở Hàn Quốc. Nước này đã cho xây dựng hàng loạt hệ thống thu gom nước mưa tại các chung cư, đô thị mới và Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm này trong quá trình giảm thiểu tác hại của BĐKH.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã nhận được một số cam kết ban đầu về viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi khoảng hơn 900 triệu USD. Bộ KHCN và Bộ Tài nguyên - Môi trường đang phấn đấu hoàn thành việc xây dựng các chương trình KHCN trọng điểm quốc gia về BĐKH trong năm 2010. Rõ ràng, BĐKH với Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã không còn là lời "hù dọa" và việc ứng phó với nó giờ không còn là trách nhiệm của riêng ai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.