Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phải để trình diễn

Quỳnh Phạm| 25/09/2012 06:04

(HNM) - Đổi mới phương pháp giảng dạy đang là một yêu cầu bức thiết của giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy và quản lý được mong đợi là một công cụ mũi nhọn giúp thay đổi cách dạy, cách học, nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường. Nhưng thực tế ứng dụng CNTT trong các cơ sở đào tạo vẫn ở mức sơ khai.


Ứng dụng CNTT - nhiều cái lợi

Trong GDĐH, ứng dụng CNTT chủ yếu hướng đến tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học. Sử dụng phần mềm giảng viên có thể vừa trình diễn bài giảng, hướng dẫn bài tập vừa quản lý lớp học. Các sinh viên (SV) cũng có thể phản hồi, trao đổi ý kiến với thầy cô hoặc nộp bài tập. Với nhiều môn học, giáo viên có thể dễ dàng chủ động tìm kiếm tư liệu hình ảnh, video clip để minh họa cho bài giảng của mình. Không chỉ trong giảng dạy, CNTT còn được sử dụng để nâng cao hiệu quả trong quản lý giáo dục. Nhiều trường đã đưa ứng dụng CNTT vào quản lý hồ sơ sinh viên, tổ chức thi trực tuyến, cập nhật kết quả học tập... Điều này còn có lợi ích kép là giúp SV hình thành lối tư duy mới với môi trường CNTT để xây dựng kỹ năng sống và làm việc thích nghi với công việc sau khi ra trường.


Công nghệ thông tin được ứng dụng trong công tác dạy và học tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.Ảnh: Huyền Linh

Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Cường, Trường ĐH Thủy lợi, việc ứng dụng CNTT càng quan trọng hơn với hình thức đào tạo tín chỉ với tiêu chí "tôn trọng người học, xem người học là trung tâm". Trong thời đại bùng nổ thông tin, sinh viên được học thêm nhiều chương trình mới, môn học mới trong khi thời gian đào tạo không thay đổi, thậm chí thời lượng học tập của một số ngành còn bị rút ngắn đi. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng, ứng dụng CNTT vào giảng dạy phát huy được tư duy sáng tạo, kỹ năng thực hành của SV, tạo cho SV thói quen và nhu cầu tự giác học, tự nghiên cứu suốt đời.

Trao đổi kinh nghiệm giảng dạy có ứng dụng CNTT môn tư tưởng Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Nguyễn Văn Quang, ĐH Sư phạm - ĐH Huế, chia sẻ: Môn học này vẫn được giảng dạy bằng phương pháp "dùng lời" nên thường mang tính truyền thụ một chiều, "áp đặt" người học, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của việc dạy học, cũng như không tạo hứng thú cho SV. Vì vậy, với việc ứng dụng CNTT, hệ thống thông tin, tư liệu rất phong phú bao gồm các tác phẩm, bài viết, câu chuyện, hình ảnh, thước phim, liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khai thác, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn học.

Vẫn chỉ là máy tính thay bảng đen

Lợi ích của ứng dụng CNTT vào giảng dạy ai cũng thấy và mặc dù có nhiều mong đợi được đặt ra, nhưng theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, trên thực tế hiệu quả của nó trong GDĐH còn nhiều hạn chế. Việc ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy học chưa được nghiên cứu kỹ, nên ứng dụng không đúng chỗ, không đúng lúc, nhiều khi còn quá lạm dụng và chỉ chú trọng việc trình chiếu giáo án điện tử. CNTT được nhiều giảng viên sử dụng như để thay thế lối giảng dạy truyền thống: thay vì dùng bảng đen, giảng viên viết toàn bộ văn bản, nội dung bài học để trình chiếu trên màn hình cho SV nhìn và chép. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình ứng dụng CNTT như giảng viên yếu về kỹ năng sử dụng CNTT, chưa tin tưởng vào tác dụng của CNTT, ngại đổi mới, ngại khó...

Theo đánh giá của Thạc sĩ Nguyễn Anh Cường, Trường ĐH Thủy lợi, do kỹ năng khai thác thông tin trên internet của giảng viên chưa tốt nên các tư liệu đưa vào bài giảng điện tử chưa phong phú, không cập nhật thông tin, tư liệu mới. Việc ứng dụng CNTT vào dạy học mới dừng ở các bài giảng trình diễn trên lớp, không hỗ trợ người học tự đánh giá kết quả học tập, cũng như giúp SV tìm kiếm những kiến thức mới.

Nói về điều kiện cần thiết cho việc phát triển ứng dụng CNTT trong giảng dạy, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương cho biết: Hiện vẫn thiếu các văn bản pháp quy về chuẩn ứng dụng CNTT trong tiết dạy. Việc đánh giá tiết dạy có ứng dụng CNTT vẫn theo cảm tính và chủ quan cá nhân. Trong đánh giá, đôi khi xảy ra tình trạng "cháo chấm cơm", lãnh đạo dự giờ xong lại có những nhận xét, đánh giá chưa chuẩn về hiệu quả ứng dụng CNTT của tiết dạy, khiến cho người dạy giảm nhiệt huyết, thậm chí nản chí. Ngoài ra, để tạo môi trường sử dụng CNTT, các trường cần trang bị cơ sở vật chất tốt và kinh phí lớn. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua một khó khăn dễ thấy, đó là giá bản quyền các phần mềm tiện ích rất cao so với điều kiện của các trường và các bộ môn.

Những giảng viên say sưa và biết cách ứng dụng CNTT vào giảng dạy cho rằng, để CNTT được ứng dụng hiệu quả, cần hiểu đúng CNTT chỉ là phương tiện rất hữu hiệu để đổi mới phương pháp dạy học, chỉ là một trong những sự lựa chọn của người thầy. Một giờ dạy hay, một tiết học hiệu quả, phải có "kịch bản" sư phạm khiến SV hứng thú, tích cực, chủ động trong học tập, còn các phương tiện, thiết bị chỉ hỗ trợ để thể hiện tốt nhất kịch bản đó mà thôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không phải để trình diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.