(HNM) - Gần 60 năm gắn bó với công tác khoa học - công nghệ, GS. TS Vũ Hoan (Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội - HUSTA) luôn nỗ lực cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho cộng đồng, Thủ đô và đất nước.
Dịp kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô năm nay, ông vinh dự là một trong 10 cá nhân xuất sắc được đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý "Công dân Thủ đô ưu tú".
Ngay từ thời học đại học, GS. TS Vũ Hoan đã lăn lộn ngoài ruộng đồng, phổ biến cho bà con nông dân ngoại thành Hà Nội về các kỹ thuật xử lý hạt giống lúa, làm phân xanh; tham gia vận động nông dân vào tổ đổi công giúp nhau sản xuất... Bám sát thực tiễn, Vũ Hoan trở thành người đầu tiên nghiên cứu thành công cách phòng chống bệnh mốc sương, cứu được hàng trăm héc ta cà chua và khoai tây ở ngoại thành Hà Nội... Những năm 1972-1986, GS Vũ Hoan tập trung nghiên cứu, hướng dẫn nông dân nhiều biện pháp thâm canh mới, đưa các giống lúa, ngô, đậu tương vào cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
GS. TS Vũ Hoan. |
GS. TS Vũ Hoan còn làm chủ nhiệm nhiều đề tài, chương trình khoa học các cấp như: Điều tra cơ bản nguồn gien sinh vật của Hà Nội; dự án "Quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Hồng của TP Hà Nội" (VIE 89/034), "Điều tra đánh giá ảnh hưởng của các điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đến việc phát triển của ngành Du lịch Hà Nội"... Kết quả của các công trình này đã góp phần không nhỏ vào hoạch định nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô và các địa phương lân cận.
GS. TS Vũ Hoan cũng là người đầu tiên kiến nghị, tập hợp các nhà khoa học cùng nghiên cứu về rau sạch trong giai đoạn 1992-1997. Hướng nghiên cứu này đã giúp ban hành các quy định và tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh rau sạch của 22 loại rau; tư vấn giúp thành phố xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn...
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, GS. TS Vũ Hoan có nhiều đóng góp quan trọng. Từ năm 1997 đến nay, ông cùng nhiều nhà khoa học tập trung đưa công nghệ vi sinh vật hữu hiệu (EM) vào sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông đã trực tiếp hướng dẫn, tổ chức chuyển giao cho hàng vạn nông dân ngoại thành các kiến thức về bảo vệ môi trường, các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất cây trồng. Công nghệ vi sinh còn được ông và đồng nghiệp phát huy trong nhiều lĩnh vực mang lại hiệu quả rõ rệt. Đối phó với dịch cúm gia cầm H5N1 phát sinh năm 2003-2004, GS. TS Vũ Hoan tổ chức nghiên cứu, đề xuất biện pháp sử dụng công nghệ EM kết hợp với khói bồ kết để xử lý dịch; tổ chức hội thảo và trực tiếp hướng dẫn biện pháp này trên các phương tiện thông tin để người dân thực hiện.
Cuối năm 2008, Thủ đô đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trầm trọng sau úng ngập dài ngày, ông là người đề xuất dùng công nghệ EM để xử lý môi trường, trực tiếp tổ chức chuyển giao kỹ thuật, xử lý tại nhiều khu vực ngoại thành và quận Hoàng Mai. Không những vậy, ông còn trực tiếp xây dựng đề án áp dụng công nghệ EM xử lý ô nhiễm nước hồ. Từ dự án này, thành phố đã "giải cứu" được hai hồ Thiền Quang, Thanh Nhàn, chuẩn bị xử lý nước đầu nguồn sông Tô Lịch... Từ năm 2010 đến nay, GS. TS Vũ Hoan tiếp tục chỉ đạo áp dụng công nghệ EM vào phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, trực tiếp tư vấn thực hiện chuỗi sản phẩm gạo hữu cơ, thịt lợn hữu cơ…
Không những thành công trong nghiên cứu khoa học, áp dụng vào thực tiễn phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường, GS. TS Vũ Hoan còn là nhà lãnh đạo có nhiều công lao tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ Thủ đô, củng cố tổ chức, hoạt động hiệu quả góp phần phát triển Thủ đô và đất nước. Ở cương vị nào, ông cũng toàn tâm toàn sức, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ ở mức tốt nhất, vì cộng đồng và sự phát triển của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.