Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ngại gánh vác nhiệm vụ quốc gia

Thu Minh| 15/02/2016 07:23

(HNM) - Trong năm 2016, cùng với việc phấn đấu có thêm vé tham dự và thi đấu tốt tại Olympic 2016, thể thao Thủ đô tập trung cho hàng loạt nhiệm vụ quan trọng khác, như phấn đấu giành nhiều huy chương tại Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 (ABG 5), giành vị trí thứ nhì toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng, chuẩn bị lực lượng cho SEA Games 29, ASIAD 18 và Olympic năm 2020.

Taekwondo là môn thế mạnh có hy vọng giành suất dự Olympic Rio 2016.


Tuy có nhiều việc phải làm nhưng Hà Nội không ngại tham gia gánh nhiệm vụ quốc gia" - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Phan Anh Tú chia sẻ cùng phóng viên Báo Hànộimới trong những ngày đầu năm mới Bính Thân.

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về mục tiêu của thể thao Hà Nội trong năm nay?

- Việc đầu tiên, đương nhiên là phấn đấu có suất dự Olympic Rio 2016. Nhóm môn có cơ hội thành công cao của Hà Nội là thể dục dụng cụ, taekwondo và cử tạ. Với bắn cung, đấu kiếm, cầu lông, đua thuyền, cơ hội nhỏ hơn một chút. Bên cạnh đó, thể thao Thủ đô đặt mục tiêu rất cao ở ABG 5, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng của quốc gia khi lần đầu tiên một đại hội thể thao bãi biển tầm cỡ châu lục được tổ chức tại Việt Nam…

- Nhưng Hà Nội đâu có thế mạnh về thể thao bãi biển?

- Đó là bí quyết riêng của Hà Nội, bởi thực tế là thể thao Thủ đô sẽ có lực lượng ở rất nhiều môn thể thao bãi biển có khả năng giành huy chương Châu Á. Phó Chủ tịch Thường trực UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang - một lãnh đạo lâu năm của thể thao Thủ đô - là người nắm rất vững về các môn, luật lệ thi đấu tại các kỳ đại hội thể thao lớn. Đó là một lợi thế, và nhờ vậy, Hà Nội đã sớm có sự chuẩn bị lực lượng cho ABG 5. Ví dụ như với các môn bóng gỗ, pencak silat, võ jujitsu, kurash, bi sắt…, Hà Nội đều có lực lượng đủ sức cạnh tranh huy chương châu lục.

- Hà Nội sẽ còn phải chuẩn bị "lực lượng gối đầu" cho các kỳ đại hội thể thao sắp tới như SEA Games 29, ASIAD 18 và Olympic năm 2020…?

- Lại thêm một chu kỳ huấn luyện nữa. Càng chuẩn bị sớm thì càng chủ động. Với vị thế của thể thao Thủ đô, chúng tôi không ngại gánh vác nhiệm vụ quốc gia, sẵn sàng đầu tư trọng điểm cho những VĐV xuất sắc làm nhiệm vụ ở các đội tuyển quốc gia. Ở đây, sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương mang yếu tố quyết định đến thành công chung, tránh được chuyện phân biệt "quân anh, quân tôi", qua đó, có thể dồn sức, dồn lực đầu tư cho những VĐV tốt nhất một cách hiệu quả. Ngoài ra, trong năm 2016 Hà Nội cũng mạnh dạn nhận đăng cai nhiều giải đấu quy mô quốc gia. Với chủ trương ấy, nếu có cơ chế đặc thù, đặc biệt là đầu tư cho VĐV trọng điểm về mọi mặt, tôi tin thể thao Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được thành công.

- Hà Nội chuẩn bị và đặt mục tiêu thế nào tại Hội khỏe Phù Đổng?

- So với nhiều địa phương trong cả nước, Hà Nội luôn có thế mạnh về thể thao học sinh. Nếu tất cả các đoàn đều tuân thủ Điều lệ của Hội khỏe nghiêm túc thì Đoàn thể thao học sinh Hà Nội có khả năng giành vị trí thứ nhì toàn đoàn tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Có điều, thực tế tại nhiều kỳ Hội khỏe cho thấy vẫn còn hiện tượng "lách luật", chưa bảo đảm sự công bằng, chính xác về lực lượng học sinh thi đấu.

Quan điểm của Hà Nội là tất cả VĐV chuyên nghiệp đang hưởng chế độ bồi dưỡng từ ngân sách nhà nước sẽ không tham gia Hội khỏe. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội sẽ chỉ hỗ trợ các trường trong khâu huấn luyện các đội tuyển. Tôi rất mong nhà quản lý quan tâm đặc biệt tới việc tuân thủ Điều lệ nhằm bảo đảm tạo ra một sân chơi công bằng cho các em.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không ngại gánh vác nhiệm vụ quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.