(HNMO) - Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 ngày 9/6, các đại biểu đều tán thành quan điểm: chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải dựa trên yêu cầu của thực tiễn, tránh “dễ làm, khó bỏ”.
Việc bổ sung, rút luật quá dễ dãi
Tính ổn định của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay quá kém - Đó là nhận xét của đại biểu Hồ Trọng Ngũ - Ninh Thuận.
Đại biểu Ngũ cho rằng, việc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được bổ sung, rút ra nhiều quá là nguyên nhân khiến tính ổn định kém. Ngoài ra, bản thân Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thường được xây dựng từ đầu khóa, hàng năm lại có chương trình riêng nên dù Chương trình này có ý nghĩa tương đương như một luật nhưng lại không được tuân thủ.
“Vấn đề sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm những nguyên tắc nhất định nếu không dẫn đến một tình trạng tùy tiện, đến sát nút Quốc hội chuẩn bị họp mới đưa bổ sung chương trình hoặc tận đến ngày họp mới rút ra thì các đại biểu sẽ rất bị động. Những việc sửa đổi, bổ sung càng phải thông báo, công bố sớm đến các đại biểu để các đại biểu có được những đánh giá, nhận định cho đúng”, đại biểu Ngũ đề nghị.
Với quan điểm đó, đại biểu Ngũ cũng cho rằng, chương trình xây dựng năm tới, trong Tờ trình có nói chú trọng xây dựng và ban hành các đạo luật trực tiếp góp phần chống suy giảm kinh tế, chủ động phòng chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội thì “sợ nó không chính xác”.
“Chỉ có những văn bản dưới luật thì may ra điều chỉnh những vấn đề nhạy cảm và biến động như vậy, còn luật phải ổn định, không thể nói là xây dựng luật trong một năm mà lại tính chuyện để trực tiếp chống suy giảm kinh tế hoặc chủ động phòng chống lạm phát”, ông nói.
Đại Biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng cũng chung nhận xét: “Tất cả các dự án luật của chúng ta khi đưa vào chương trình thì chúng ta viết và đề ra một cách hết sức cần thiết, nhưng khi rút ra thì rất nhẹ nhàng. Đây là một vấn đề chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá lại”.
Từ đó, đại biểu Vinh đề nghị, năm 2011, tiếp tục ưu tiên đưa các luật mà cuộc sống đang thật cần thiết vào chương trình, đồng thời ưu tiên đưa các dự án luật mà chúng ta không thực hiện được ở trong chương trình xây dựng năm 2010 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và làm rõ lý do để điều chỉnh chương trình của Quốc hội đã thông qua năm 2010.
“Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây, việc đưa vào hay đưa ra chương trình là thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng theo luật mới này thì vừa là thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp của Quốc hội. Cho nên chúng ta thấy có những văn bản đã chuẩn bị lâu rồi, đưa vào chương trình rồi, nhưng khi thấy có 1, 2 ý kiến cũng lại rút ra một cách dễ dàng”, đại biểu Đinh Xuân Thảo - Kiên Giang nhận xét.
Theo đại biểu Thảo, một điểm yếu hiện nay dẫn đến chất lượng của luật chưa tốt là năng lực phân tích chính sách còn hạn chế, một số Bộ cùng một lúc được giao chuẩn bị quá nhiều dự án luật, thời gian chuẩn bị chưa đảm bảo.
“Việc xem xét đưa vào chương trình phải chọn những vấn đề cần thiết quan trọng cấp bách và quan trọng hơn là đã có sự chuẩn bị kỹ càng, chúng tôi hay nói là quy trình ngược, có nghĩa phải chuẩn bị tốt mới đưa vào chương trình, không phải đưa vào chương trình mới bắt đầu chuẩn bị”, đại biểu Thảo đề nghị.
Minh họa một phần cho sự “bổ sung và rút ra” các chương trình luật quá dễ dãi, đại biểu Đặng Văn Khanh - TP Hà Nội đề cập đến Luật Thủ đô. Một dự án lớn như vậy, bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội, nhưng lại cũng được đề nghị thông qua một kỳ họp và do công tác chuẩn bị rất gấp gáp, nên đến nay lại phải tiếp tục điều chỉnh.
“Tôi đề nghị Quốc hội tới đây cũng phải xem xét và rất hạn chế bổ sung cho dự án luật thông qua tại một kỳ họp. Chỉ trừ những dự án luật nào được chuẩn bị rất kỹ càng , nội dung không đến nỗi phức tạp lắm thì chúng ta hãy bổ sung vào để thông qua trong một kỳ họp, nếu không chúng ta nên thực hiện theo quy trình thông qua tại hai kỳ họp mới đảm bảo chất lượng”, đại biểu Khanh nói.
Không nên “dễ làm, khó bỏ”
Theo đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội, trong thời gian vừa qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện luật, pháp lệnh hàng năm chưa sát với thực tế và một số bộ được giao chủ trì soạn thảo quá tải, trong quá trình soạn thảo lại nặng về bảo vệ lợi ích của cá nhân bộ, ngành mình, nên đã phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự thảo.
Đại biểu Hà đề nghị, Quốc hội cần xác định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo các nguyên tắc xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý và thực tiễn đặt ra tạo điều kiện tốt hơn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân; và xuất phát từ khả năng thực hiện của các chủ thể liên quan đến công tác soạn thảo và quỹ thời gian của cơ quan thẩm tra cũng như quỹ thời gian của các kỳ họp Quốc hội.
“Kiên quyết chống bệnh thành tích, lên kế hoạch nhiều để cho hoành tráng còn việc thực hiện đến đâu lại không cần biết”, đại biểu Hà nói.
Đại biểu Ngô Văn Minh - Quảng Nam cũng đề nghị phải xây dựng một chương trình làm luật khả thi hơn cho năm 2011.
“Chúng ta thấy chất lượng làm luật cũng đã rõ rồi, cơ quan thẩm tra trở thành cơ quan soạn thảo, điều này chúng ta nói rất nhiều rồi, anh em nói với chúng tôi việc này chúng ta làm thay cho cơ quan soạn thảo, nhưng kinh phí lại nằm chỗ khác. Cho nên, chúng ta cần phải làm rõ những vấn đề đó. Cuối cùng làm luật không xong là Thường vụ Quốc hội lãnh hết, không thấy cơ quan nào giải trình tiếp thu”, đại biểu Minh nói.
Đại biểu Minh tán thành việc đưa vào chương trình nghị quyết để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 liên quan trực tiếp tới tổ chức bộ máy nhà nước; đồng thời đẩy nhanh tốc độ xây dựng Luật đất đai, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật đầu tư công, Luật biển…
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng - Đắc Lắk cũng nhất trí quan điểm, dự luật nào cần thì chúng ta phải thông qua sớm, chứ không phải cái gì dễ thì thông qua sớm.
“Tôi thấy điều này nó rất rõ ở chỗ có những vấn đề rất bức xúc nhưng vì chúng ta khó khăn này, khó khăn khác chúng ta không đưa vào để thông qua. Thí dụ Luật đất đai, phần lớn các khiếu nại, tố cáo hiện nay là đất đai mà chúng ta không sửa Luật đất đai thì rất khó giải thích cho nhân dân”, ông lấy ví dụ.
Đại biểu Dũng đề nghị, nên có cơ chế xây dựng một đội ngũ các chuyên gia thật giỏi giúp Quốc hội để chuẩn bị luật pháp, như vậy, chất lượng các luật sẽ cao hơn, chuyên sâu hơn.
“Tôi nghĩ rằng có thể bằng nột hình thức gọi là khoán, các đồng chí đó làm xong luật đó thì có một số tiền là bao nhiêu đó, số tiền đó thấp hơn là số tiền lâu nay chúng ta tổ chức hội thảo khắp nơi để mà ra một luật... Chứ đưa ra 500 đại biểu mà không phải là các chuyên gia pháp luật thảo luận ý kiến rất khác nhau thì rất là khó”, đại biểu Dũng nói.
Cũng nhất trí giải pháp xây dựng một đội ngũ chuyên gia giỏi về các lĩnh vực để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban trong việc này, đại biểu Trần Việt Hưng - Hoà Bình còn đề nghị tăng cường thêm đại biểu chuyên trách ở các ủy ban cũng như ở các Đoàn đại biểu Quốc hội để vừa nghiên cứu về tầm vĩ mô, vừa là các đại biểu ở cơ sở có những kinh nghiệm thực tiễn phối hợp với nhau để nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh.
“Nếu như đại biểu kiên quyết hơn trong việc bấm nút không thông qua, quyền của đại biểu như vậy, thì tôi nghĩ rằng chương trình dự kiến xây dựng luật và pháp lệnh mà Quốc hội đưa ra cũng sẽ sát hơn, đúng với cơ quan soạn thảo, đúng với ý của đại biểu Quốc hội hơn”, ông Hưng nói.
Đại biểu Phạm Phương Thảo - TP Hồ Chí Minh đề xuất, trong lúc đại biểu Quốc hội chưa đưa ra được sáng kiến luật và trong thực tế cũng khó có điều kiện thực hiện thì Quốc hội nên cố gắng ra đầu bài để các tổ chức, cá nhân quan tâm, từ đó Quốc hội sẽ “đặt hàng”.
“Chúng ta ra đầu bài tốt cũng là cần thiết để có sự chuẩn bị ban hành những đạo luật, những chính sách đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển của cuộc sống”, đại biểu Thảo nói.
Về một số luật cần ưu tiên trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm tới, đại biểu Thảo đề nghị dành quan tâm cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992; Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật chứng khoán (sửa đổi); Luật đất đai; Luật Thủ đô.
Chính phủ cũng chưa lường hết được tính phức tạp của một số dự án
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận xét, công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ kể từ sau khi Quốc hội ban hành luật năm 2008 đã có sự chuyển biến rõ nét, bước đầu đáp ứng được yêu cầu mà luật đề ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao Chính phủ làm là chính, chiếm tới 90%, nên các dự án cũng còn nhiều điểm hạn chế, yếu kém.
“Việc điều chỉnh chương trình lùi đi, lùi lại hay như đại biểu nói rút ra, rút vô liên tục thì một phần quan trọng cũng do nguyên nhân chủ quan mà Báo cáo đã phân tích và đại biểu Quốc hội cũng đã nêu. Về phần này xin được thay mặt cho cơ quan giúp Chính phủ để thực hiện việc này, chúng tôi xin lỗi các đại biểu Quốc hội đã làm ảnh hưởng đến chương trình của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Bộ trưởng nói.
Theo giải thích của Bộ trưởng, việc kết quả chưa được như mong muốn là do yêu cầu của luật năm 2008 rất cao trong khi Chính phủ cũng chưa kịp thời kiện toàn củng cố các tổ chức pháp chế của các Bộ, các ngành là cơ quan chính để tham mưu cho các Bộ trưởng trong việc xây dựng Luật, pháp lệnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chưa lường hết được tính phức tạp của một số dự án được chuẩn bị để trình QH xem xét thông qua. Bộ trưởng lấy ví dụ về Luật Thủ đô, mặc dù đã được đưa vào chương trình chuẩn bị của nhiệm kỳ nhưng đến cuối năm 2009 mới đưa vào chương trình chính thức, lúc đó mới biết rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cho cơ quan nào chủ trì.
“Với tinh thần 1.000 năm Thăng Long, Ban soạn thảo rất cố gắng, Hà Nội cũng rất cố gắng nhưng như các đại biểu đã phân tích, Luật này phức tạp, mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một lần tại một kỳ họp, nhưng vì nó phức tạp nên Chính phủ chưa họp để xem xét lại lần thứ hai”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng nhận xét, chương trình 2010 cụ thể hóa chương trình toàn khóa được Quốc hội thông qua năm 2007, nhưng tính khả thi của chương trình toàn khóa XII chưa cao.
“Chẳng hạn trong số 33 dự án thuộc chương trình chính thức năm 2010 thì 31 dự án thuộc chương trình của toàn khóa rồi. Chỉ có 2 chương trình chúng ta bổ sung vào là Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Luật viên chức. Trên thực tế thực hiện chương trình 2010 như Quốc hội thấy cũng vẫn có sự chậm trễ, đảo lộn chương trình”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng hứa sẽ tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp, biện pháp trong thời gian tới để cải thiện tình hình. Cụ thể, triển khai đồng bộ việc đánh giá tác động sao cho đúng, cho chính xác, cho khoa học trước khi đưa vào chương trình, cũng như đưa vào nội dung của các dự án luật; kiên quyết hơn nữa trong việc chỉ đạo, chỉ đưa vào chương trình những dự án khả thi, đầy đủ hồ sơ, thật sự cần thiết….
Bộ trưởng cũng đề nghị, đã đến lúc cả QH và Chính phủ đều cần có sự thay đổi nhận thức trong việc đầu tư về ngân sách, về kinh phí cho việc xây dựng các dự án luật và pháp lệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.