Trong quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả hai bài tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho rằng, việc chọn liền lúc hai tổ hợp thi có thể sẽ làm cho kết quả thi không tốt.
Dễ bị "đuối sức" khi chọn cả 2 tổ hợp thi
Từ ngày 1-4, các thí sinh đã bắt đầu làm phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hầu như chưa có thí sinh nào nộp phiếu đăng ký dự thi và hiện nay các trường vẫn đang tư vấn cho cả học sinh và phụ huynh về chọn tổ hợp môn thi, nguyện vọng vào các trường và hướng dẫn điền phiếu đăng ký dự thi...
Học sinh tuyệt đối không nên chọn 2 tổ hợp thi. |
Năm nay, trường THPT Nguyễn Du (quận 10) có tất cả 345 học sinh tham dự vào kỳ thi THPT Quốc gia. Theo khảo sát sơ bộ ban đầu, số học sinh đăng ký tổ hợp thi khối Khoa học tự nhiên nhiều hơn rất nhiều so với khối Khoa học xã hội.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, cho biết: "Thông thường vào những ngày đầu học sinh chưa đăng ký vào phiếu đăng ký dự thi. Đây là lúc học sinh vẫn còn đắn đo suy nghĩ trong việc chọn lựa tổ hợp các môn thi và nguyện vọng vào các trường đại học. Vào thời điểm này, nhà trường vẫn tiếp tục tư vấn cho các em, để các em chọn tốt được môn thi đúng với khả năng của các em".
Theo quy chế thi THPT Quốc gia 2018, thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả hai bài tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, khi đã đăng ký thi cả tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, thí sinh bắt buộc làm cả hai bài này. Thí sinh bỏ 1 trong 2 bài sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nói về việc lựa chọn tổ hợp môn để thi tốt nghiệp THPT và xét vào cao đẳng, đại học, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, thí sinh phải hết sức lưu ý khi chọn tổ hợp môn thi. Việc chọn lựa cả hai tổ hợp môn thi giúp thí sinh có thể chọn điểm bài nào cao hơn để xét tốt nghiệp nhưng phải ôn thi và thi quá nhiều môn có thể sẽ làm cho thí sinh bị "đuối sức", dẫn đến kết quả thi cuối cùng của thí sinh không cao và khó cạnh tranh khi xét tuyển vào đại học. Do đó, thí sinh chỉ nên chọn một tổ hợp môn và chọn môn học nào là thế mạnh, tập trung vào học để đạt kết quả cao và cơ hội vào đại học cũng cao hơn.
Còn thầy Thái Quang Cường, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) nhận định, năm nay nhiều trường đại học mở rộng thêm tổ hợp xét tuyển nên học sinh có tâm lý chọn thi 2 tổ hợp để lấy điểm xét tuyển được nhiều ngành hơn. Tuy nhiên, từ thực tế năm trước, học sinh chọn thi cả 2 tổ hợp thường điểm không cao, do vậy thí sinh nên tập trung vào 1 bài thi để đạt được kết quả tốt nhất.
Chỉ nên chọn tố đa 5 nguyện vọng
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, thực tế từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 cho thấy, có thí sinh chọn đến 20 nguyện vọng xét tuyển nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Do đó, Sở khuyến khích thí sinh tìm hiểu kỹ và chỉ đăng ký từ 4-5 nguyện vọng xét tuyển phù hợp. Đối với thí sinh được miễn dự thi môn Ngoại ngữ khi xét tốt nghiệp THPT vẫn phải dự thi môn này nếu muốn tham gia xét tuyển đại học.
Cũng lưu ý thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, thầy Thái Quang Cường chia sẻ: "Như năm trước, thí sinh thường trúng tuyển đại học ngay từ nguyện vọng 1, 2. Do vậy, dù quy chế thi năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký nhưng việc đăng ký tràn lan, quá nhiều nguyện vọng là điều không cần thiết".
Bên cạnh đó, thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng, thí sinh không nên chọn quá nhiều nguyện vọng, tối đa là 5 nguyện vọng. Theo đó, học sinh sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Mỗi trường có phương án xét tuyển khác nhau, do đó sinh cần theo dõi thường xuyên trên website của trường đã đăng ký nguyện vọng.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT). Bài Ngữ văn thi tự luận, các bài còn lại thi trắc nghiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.