(HNMO) - Thẩm tra Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội kiến nghị Chính phủ không nên bỏ giới hạn trần trong loại hợp đồng xác định thời hạn để hạn chế khả năng người sử dụng lao động lợi dụng, vi phạm quyền của người lao động, nhất là với nhóm lao động giản đơn.
Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Chính phủ trình lên Quốc hội chiều 4/11 gồm 17 chương và 157 điều, trong đó giữ nguyên 52 điều như luật cũ, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 64 điều.
Thẩm tra Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban về các vấn đề xã hội cơ bản nhất trí sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động và nhiều nội dung sửa đổi trong luật.
Về vấn đề tiền lương, theo Ủy ban, việc quy định tiền lương là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động đã thể hiện được một phần quan điểm tiền lương là giá cả sức lao động, cùng với những quy định về thương lượng, thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, những quy định về thời giờ làm thêm, tiền làm thêm giờ, hình thức trả lương … là những quy định cần thiết để tạo điều kiện cho tiền lương được chi trả hợp lý. Tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung các quy định để xác định đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ quá trình thương lượng theo nguyên tắc thỏa thuận về cơ cấu tiền lương, quy định rõ các khoản thuộc về tiền lương (bao gồm cả các khoản phụ cấp, trợ cấp thường xuyên); quy định căn cứ để trả lương nhằm bảo vệ người lao động; định kỳ Nhà nước phối hợp với tổ chức Công đoàn hướng dẫn, cung cấp thông tin về tiền lương để các bên có cơ sở thỏa thuận, thương lượng nhằm đạt được mức lương hợp lý, công bằng.
Về hợp đồng lao động, việc dự án luật quy định bỏ giới hạn trần trong loại hợp đồng xác định thời hạn và bổ sung quy định bắt buộc người sử dụng phải ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với người lao động có thời gian làm việc liên tục từ 10 năm trở lên nhằm hạn chế tác động tiêu cực của việc bỏ mức trần 36 tháng theo Ủy ban là chưa hợp lý. Ủy ban cho rằng, vẫn cần phải xác định mức trần thời gian đối với loại hợp đồng này để hạn chế khả năng người sử dụng lao động lợi dụng, vi phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động, nhất là đối với nhóm lao động giản đơn, làm việc ở các ngành, nghề yếu thế. Ngoài ra, cần sửa đổi quy định về hợp đồng lao động vô hiệu để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Về thời giờ làm thêm, dự án Bộ luật quy định theo hướng tăng thời gian làm thêm giờ từ tối đa không quá 200 giờ trong một năm, một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ của Bộ luật hiện hành lên mức tối đa 360 giờ một năm. Theo Ủy ban, việc tăng giờ làm thêm cần được tính toán, cân nhắc hợp lý, cần giới hạn ngành, nghề và độ tuổi được làm thêm giờ, quy định tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn và có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ. Quy định theo hướng này một mặt phù hợp với sức khỏe, bảo đảm thu nhập của người lao động, mặt khác người sử dụng lao động phải cân nhắc giữa chi phí tài chính và hiệu quả của việc sử dụng người lao động làm thêm giờ. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật về thời giờ làm thêm.
Về giải quyết tranh chấp lao động, Ủy ban đề nghị, trong quan hệ lao động ở cấp doanh nghiệp, cần tiếp tục khẳng định vai trò đại diện cho người lao động của công đoàn cơ sở trong việc ký kết thỏa ước lao động tập thể cơ sở và lãnh đạo đình công. Đối với nơi chưa có tổ chức công đoàn, chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể thì có thể theo hướng, ngoài việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động theo pháp luật cần khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn các thỏa ước lao động tập thể tiến bộ có sẵn hoặc thỏa ước lao động tập thể ngành để thực hiện, công đoàn cấp trên có vai trò hỗ trợ cho tập thể người lao động trong giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Về quyền nghỉ hưu, Ủy ban tán thành quan điểm quy định tuổi nghỉ hưu theo hướng tiếp cận về quyền là hợp lý. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật chưa thể hiện được tinh thần này, chưa quy định rõ thế nào là quyền nghỉ hưu. Ngoài ra, dự án Bộ luật giao cho Chính phủ hướng dẫn tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng nhưng chưa làm rõ tiêu chí đối với một số trường hợp đặc biệt khác sẽ được Chính phủ hướng dẫn. Ủy ban cũng đề nghị phải quan tâm đến việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ như tuổi nghỉ hưu của lao động nam để có lộ trình hợp lý cho các nhóm khác nhau.
Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Ủy ban ủng hộ xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ và cho rằng, nên quy định linh hoạt hơn, từ 4 tháng đến 6 tháng với các điều kiện khác nhau cho phù hợp với công việc, cuộc sống của người đó.
Về tính khả thi của dự luật, theo Ủy ban, dự thảo Bộ luật có 60 điều cần phải hướng dẫn thi hành, trong đó có 27 điều, khoản quy định do Chính phủ hướng dẫn hoặc Chính phủ quy định và 20 điều, khoản thực hiện theo quy định của pháp luật… Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định hiện hành, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn và cụ thể hóa các điều, khoản trong dự thảo Bộ luật, đặc biệt là tính khả thi của một số quy định, cần hướng tới các chính sách sửa đổi phải mang lại lợi ích thực sự cho người lao động, cho các bên trong quan hệ lao động và bảo đảm Bộ luật Lao động thực sự đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án luật này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.