(HNM) - Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh chị Phùng Văn Chức, Phùng Thị Dân (thôn Tăng Cấu, Đồng Thái, Ba Vì) làm ruộng, nấu rượu, nuôi lợn, nuôi gà với số lượng nhỏ, rồi theo nghề buôn bán gà thịt, mua gom trứng bán cho các lò ấp… nhưng kinh tế vẫn không ổn định.
Năm 2002, anh chị quyết định đầu tư vào chăn nuôi gà giống. Để có nguồn vốn đầu tư ban đầu, ngoài 20 triệu đồng dành dụm được, họ vay thêm bạn bè, người thân và chương trình vay vốn của các ban, ngành trong thôn, xã. Có vốn, anh chị đầu tư nuôi 500 con gà giống, rồi tăng dần lên. Tuy nhiên, việc chăn nuôi không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chị Dân kể: Đầu năm 2005, toàn huyện xảy ra dịch cúm gia cầm, số gà trên 700 con của gia đình chết hết. Trong hoàn cảnh đó, chị Dân và các con có ý nản, nhưng anh Chức vẫn quyết chí theo nghề chăn nuôi gà. Anh mua sách về tham khảo, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do xã, huyện tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm. Một lần nữa, anh chị lại chạy vạy khắp nơi để vay vốn đầu tư chăn nuôi. Không phụ công của vợ chồng anh, từ đó đến nay, mặc dù có nhiều biến động về dịch bệnh, giá cả, nhưng đàn gà giống của gia đình đều phát triển tốt, đem lại thu nhập ngày càng cao. Đến nay, vợ chồng anh Chức, chị Dân đã xây dựng được trang trại chăn nuôi tập trung trên diện tích gần 4 sào, tổng số vốn đầu tư lên đến gần 1,7 tỷ đồng, mỗi năm cho xuất chuồng khoảng 3 vạn con gà giống và 1.500 con gà thịt, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng. Ngoài nuôi gà, gia đình anh chăn nuôi thêm hơn 100 con lợn thịt. Mỗi con lợn sau khi trừ chi phí cho lãi gần 1 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, những năm gần đây, gia đình anh Chức đã hỗ trợ 8 hộ gia đình khó khăn về con giống, thuốc phòng bệnh, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi gà. Đến nay, các hộ gia đình đều chăn nuôi có lãi...
Với những thành quả đã đạt được, năm 2010, gia đình anh đạt danh hiệu "Hộ kinh doanh giỏi cấp TP".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.