Góc nhìn

Không lơ là, chủ quan

Bắc Vũ 19/11/2023 - 06:16

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành.

Đáng chú ý, từ tháng 8 trở lại đây, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đang đến gần.

Rõ ràng nguy cơ dịch tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là do vi rút Dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp. Thêm vào đó, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh…

Tương tự, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng cũng rất cao, do tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin, vi rút cúm gia cầm (các chủng A/H5, bao gồm H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%); giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến (cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ)…

Nguy cơ dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm là thường trực. Do vậy, các ngành chức năng và địa phương không được phép lơ là, chủ quan, đặc biệt là thời gian từ nay đến cuối năm.

Các địa phương cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, Dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh trên lợn. Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật...

Trước mắt, cần huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh (nếu có), chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc khử trùng.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì nghiêm ngặt công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Đặc biệt, các địa phương cần khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y các cấp và chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; qua đó bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Tiếp tục thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng. Lực lượng thú y tại cơ sở bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn gia súc, gia cầm, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, quan điểm nhất quán là không được phép lơ là, chủ quan với dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không lơ là, chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.