Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lơ là chống dịch sốt xuất huyết

An Hà| 09/04/2022 07:36

(HNMCT) - Với 2 ca tử vong do sốt xuất huyết đã xảy ra, các chuyên gia cảnh báo, cơ quan y tế và người dân không chủ quan với dịch sốt xuất huyết, tránh để dịch lan rộng.

Phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết là một trong các biện pháp để chủ động phòng dịch sốt xuất huyết, bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Dễ nhầm lẫn

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong tại Bình Dương. Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành hằng năm. Thông thường, cứ sau khoảng 4 năm dịch lại bùng phát mạnh với số ca mắc gia tăng. Những năm trước đã từng xảy ra tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế khi số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Bệnh nhân phải nằm ghép hai, ba người một giường, hoặc nằm giường xếp ở hành lang. Tình trạng lây chéo diễn ra nhiều hơn, dịch bệnh càng khó kiểm soát.

So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số ca giảm, tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi.

Đặc biệt, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do vi rút gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau như sốt, đau đầu, đau mỏi cơ. Do đó, người dân rất dễ bị nhầm lẫn.

Nói về sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết, bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều người cho rằng sốt xuất huyết chỉ mắc một lần trong đời. Điều này không chính xác, bởi sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type vi rút khác nhau.

Bên cạnh đó, nhiều người bệnh sốt xuất huyết sau khi điều trị đã giảm sốt hoặc hết sốt thì lập tức dừng điều trị. Điều này hết sức nguy hiểm bởi thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, từ ngày thứ tư trở đi thì giảm sốt, song đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh, người bệnh có thể có những biến chứng nặng.

Một sai lầm khác được các bác sĩ chỉ ra là người bệnh khi bị sốt xuất huyết thường tự ý uống thuốc giảm đau, phổ biến nhất là Aspirin và Ibuprofen. Thực tế, 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh sốt xuất huyết trầm trọng hơn, thậm chí có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Chủ động ứng phó với dịch

Cho tới nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.

Người nghi ngờ bị sốt xuất huyết, nhất là khi trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị sốt xuất huyết cần được thăm khám ở cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí là biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Không nên tự ý mua thuốc uống và truyền dịch tại nhà.

Trong trường hợp được bác sĩ khám bệnh cho điều trị tại gia đình, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường, nếu có thì cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay. Khi điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại gia đình, người bệnh phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; nếu sử dụng thuốc hạ sốt thì không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sĩ.

Bài học từ các đợt dịch nghiêm trọng từng diễn ra cho thấy, nếu công tác dự phòng không được thực hiện tốt thì khi dịch xảy ra, việc chống dịch sẽ rất nhọc nhằn. Các nhân viên y tế đã mệt nhoài khi phải đêm ngày chống dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua sẽ chịu thêm áp lực khi “dịch chồng dịch”. Do đó, giải pháp quan trọng và khẩn cấp nhất là tăng cường các biện pháp kiểm soát, không để dịch sốt xuất huyết có cơ hội bùng phát và lây lan. Mỗi người dân cần giữ vệ sinh sạch sẽ không gian sống, diệt  lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, đồ phế thải.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không lơ là chống dịch sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.