(HNM) - Đề án
Đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành VH-TT&DL Hà Nội trên lộ trình triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", góp phần thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị di sản hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).
Đòi hỏi tất yếu
Những giá trị có một không hai của hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (Sóc Sơn) đã được UNESCO khẳng định. Sức sống mãnh liệt của hội Gióng cũng đã được kiểm chứng qua thời gian hàng trăm năm với sự tham gia tự nguyện của cộng đồng. Gắn với hội Gióng ở Phù Đổng là hệ thống di tích dày đặc, kho tàng di sản phi vật thể phong phú; ở đền Sóc là phong cảnh sơn thủy hữu tình và một chuỗi di tích vệ tinh. Những yếu tố đó đủ để đưa hội Gióng và không gian hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc trở thành điểm đến hấp dẫn quanh năm, song hiện nay, do sự đầu tư, khai thác chưa hợp lý nên di sản chưa được quảng bá rộng rãi, chưa biến thành tài sản có giá trị sinh lời cao.
Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Bá Hoạt |
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho thấy, khu di tích đền Phù Đổng (Gia Lâm) chưa phải là điểm đến du lịch, chưa có định hướng, chính sách, cơ cấu tổ chức phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Công tác quản lý khu di tích mới tập trung vào việc bảo vệ di tích, nhưng cũng còn nhiều lỗ hổng. Chẳng hạn, bãi cờ Đống Đàm, Soi Bia, Giá Ngự không có người trông nom; điểm Cố Viên được giao cho người dân trông nom dưới hình thức giao khoán đất để họ tăng gia sản xuất. Miếu Ban hiện được giao cho cụ già hơn 90 tuổi chăm sóc, hồ nước và gò đất phía sau miếu - được cho là nơi mẹ Thánh Gióng sinh hạ ra ngài - không có người quản lý, bảo vệ... sự hạn chế về nhiều mặt dẫn đến thực tế là lượng khách đến đền Phù Đổng chỉ có khoảng 2,2-2,5 vạn người/năm, chủ yếu tập trung vào những ngày diễn ra lễ hội. Khu di tích đền Sóc (Sóc Sơn) có đơn vị quản lý di tích, khai thác du lịch từ năm 1996, nhưng đến nay bãi đỗ xe cho khách đến tham quan di tích, dự hội vẫn chưa có; sản phẩm du lịch nghèo nàn… "Quần thể di tích đền Sóc đã được đầu tư đáng kể để nhắm đến mục tiêu phát triển du lịch. Tuy nhiên, cách thức khai thác du lịch ở đây còn chưa chuyên nghiệp. Các điểm di tích cũng như cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp ở khu vực đền Sóc nằm trong không gian làng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho cộng đồng dân cư sở tại là chính. Nói chung, di sản là của cộng đồng, nhưng lợi ích du lịch mang lại cho cộng đồng chưa rõ nét nên người dân hầu như chưa được hưởng lợi từ di sản ngoài việc bán một số hàng lưu niệm trong thời gian diễn ra lễ hội", bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa nhận xét.
Giữ cho được giá trị cốt lõi của di sản
Trong dự thảo đề án, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa đề xuất một số mô hình phát huy giá trị không gian hội Gióng gắn với phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, với hội Gióng ở Phù Đổng, cần ưu tiên hoàn thiện hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng bảo tàng cộng đồng, xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, hệ thống bảng thông tin, chỉ dẫn, các dịch vụ cơ bản (nhà nghỉ trong dân, ăn uống, thuê xe đạp…). Trong tương lai, khu di tích đền Phù Đổng cần được kết nối với các di tích tiêu biểu ở khu vực phía đông Hà Nội nhằm tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên hoàn. Khác với Phù Đổng, cơ sở hạ tầng du lịch khu vực đền Sóc đã tương đối hoàn thiện, vì vậy, hướng phát triển du lịch ở đây được xác định là đổi mới sản phẩm du lịch, mở rộng các hình thức du lịch trải nghiệm thông qua việc kết nối trung tâm đền Sóc với các làng nghề truyền thống ở Sóc Sơn, với các điểm di tích thờ Thánh Gióng trên địa bàn Hà Nội, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách.
Nói về đề án đặc thù này, ông Trương Nam Thắng (Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ) cho rằng, đề án là cơ sở khoa học và thực tiễn để các cơ quan chức năng có biện pháp bảo tồn, khai thác giá trị không gian hội Gióng một cách hợp lý, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng để họ có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò chủ thể của di sản. Tuy nhiên, ông Trương Nam Thắng cũng bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của việc xây dựng bảo tàng cộng đồng hội Gióng ở Phù Đổng, lý do chủ yếu là hình tượng Thánh Gióng mang tính truyền thuyết, hư cấu, nếu chỉ có các tài liệu lưu truyền mà không có hiện vật thì bảo tàng chưa đủ yếu tố để thành lập. Theo ông Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), công tác quảng bá di sản hội Gióng cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, cần tổ chức một số màn diễn xướng, một số nghi thức tiêu biểu của lễ hội trong không gian các di tích nhằm giúp du khách có những trải nghiệm hấp dẫn.
Trước những băn khoăn về việc phát triển du lịch có thể khiến hội Gióng bị thương mại hóa, biến dạng, người dân sở tại mải chạy theo lợi nhuận mà coi nhẹ vai trò bảo vệ di sản, bà Lê Thị Minh Lý khẳng định: "Với hội Gióng, việc không làm thương mại hóa lễ hội, không làm biến đổi giá trị thực và phát huy tốt vai trò đích thực của cộng đồng, tạo cơ hội cho cộng đồng tự giới thiệu về di sản… là những nhân tố tiên quyết bảo đảm cho phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, các mô hình phát huy giá trị không gian hội Gióng luôn gắn liền và ưu tiên bảo tồn giá trị vốn có của di tích, lễ hội chứ không vì lợi nhuận trước mắt mà coi nhẹ bản sắc văn hóa truyền thống".
Việc thực hiện đề án "Phát huy giá trị không gian lễ hội Gióng tại Gia Lâm và Sóc Sơn" là cần thiết, song một số nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để đề án rõ tính khả thi hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.