Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không khuyến khích người dân đốt pháo hoa

Tiến Thành| 01/12/2020 16:32

(HNMO) - Chiều 1-12, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) về một số nội dung của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Đại tá Vũ Minh Hùng.

- Xin đồng chí cho biết, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP có điểm mới nào so với những quy định trước đây về quản lý, sử dụng pháo?

- Nghị định số 137/2020/NĐ-CP được xây dựng nhằm thay thế, khắc phục một số hạn chế và không phù hợp với điều kiện quản lý hiện nay của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Trước đây, quy định của pháp luật chưa nêu rõ các trường hợp thế nào là “pháo hoa không phát ra tiếng nổ” và “pháo hoa nổ”, trong khi thời gian qua, việc mua bán, sử dụng trái phép các loại pháo hoa trên đã gây ra nhiều tai nạn, gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, việc xử lý gặp khó khăn vì chưa rõ khái niệm. Việc làm rõ khái niệm về pháo hoa chính là điểm mới đáng chú ý của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP.

- Người dân còn băn khoăn về khái niệm “pháo hoa không phát ra tiếng nổ” được hiểu như thế nào. Đồng chí có thể phân tích rõ hơn về khái niệm “pháo hoa không phát ra tiếng nổ” và “pháo hoa nổ”?

­- “Pháo hoa không phát ra tiếng nổ” khi đốt tạo ra ánh sáng, màu sắc, âm thanh chỉ “xẹt xẹt”, chứ không phát tiếng nổ. Có thể kể đến một số chủng loại “pháo hoa không phát ra tiếng nổ” như pháo người dân thường dùng đốt, cắm trên bánh sinh nhật hoặc loại pháo hay dùng trong đám cưới, tân gia hoặc lễ động thổ, khai trương…

Thực chất, các loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ này đã được sử dụng công khai nhiều năm qua dù không được phép, tuy nhiên, do chưa có chế tài cụ thể nên cơ quan chức năng không xử lý được.

Còn “pháo hoa nổ” là loại pháo tạo ra tiếng rít và tiếng nổ, tạo hiệu ứng màu sắc trong không gian. Loại pháo này thường được quân đội hoặc các cơ quan, đơn vị được cấp phép sử dụng ở các dịp lễ, tết hay trong cuộc thi bắn pháo hoa.

- Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa. Vậy pháo hoa được sử dụng ở đây là loại nào? Quy định về mua bán, sử dụng loại pháo hoa này ra sao, thưa đồng chí?

- Pháo hoa được quy định nêu trên là loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ, chỉ sử dụng trong những trường hợp như: “Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật”.

Không phải lúc nào người dân cũng có thể mua pháo hoa không phát ra tiếng nổ để sử dụng. Việc sử dụng pháo hoa ở ngoài đường, chỗ đông người và trong các trường hợp ngoài quy định sẽ bị xử phạt như sử dụng pháo hoa nổ trái phép.

Quy định mới cũng nêu rõ người dân phải mua pháo hoa không phát ra tiếng nổ ở các cửa hàng của quân đội, nơi được phép mua, bán loại pháo hoa này. Còn người dân mua pháo ở những nơi khác đều là hành vi trái phép. Việc đưa ra các quy định nêu trên là để cơ quan chức năng quản lý tốt hơn, chứ không phải khuyến khích người dân đốt pháo hoa.

- Xin đồng chí cho biết, việc quản lý pháo hoa nổ quy định trong Nghị định số 137/2020/NĐ-CP sẽ được thực hiện như thế nào?

- Loại pháo hoa nổ tiếp tục bị cấm, nghĩa là người dân không được mua, bán, sử dụng. Pháo hoa nổ chỉ được sử dụng theo giấy phép và phải đăng ký trước; việc bắn pháo hoa nổ do quân đội phụ trách. Các cơ quan, tổ chức khác ngoài quân đội không được bắn pháo hoa nổ, trừ các trường hợp được Thủ tướng Chính phủ quy định phục vụ các cuộc thi bắn pháo hoa.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không khuyến khích người dân đốt pháo hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.