(HNM) - Việc Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô trẻ em với mức án 18 tháng tù, cho hưởng án treo; ca sĩ Phạm Anh Khoa có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ… bị lên án gay gắt đã khiến những người liên quan phải chịu trách nhiệm.
Phụ nữ, trẻ em gái và cả cộng đồng hãy lên tiếng trước hành vi xâm hại tình dục. |
Hậu quả nặng nề, dai dẳng
Số liệu từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực, xâm hại phụ nữ cho thấy, 58% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực, xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục. Kết quả thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) thể hiện, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện...
Căn cứ kết quả khảo sát thực tế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tổ chức ActionAid Việt Nam (tổ chức quốc tế chống đói nghèo) cảnh báo, hơn 80% trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục ở những nơi công cộng. Đối tượng quấy rối thường là nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 25 và từ 36 đến 55 với hành vi phổ biến là trêu ghẹo, bình phẩm hình thức bề ngoài, cố tình động chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể… Với môi trường được cho là an toàn như trường học, 11% học sinh của một số trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội khẳng định từng bị xâm hại, quấy rối tình dục trong nhà trường hoặc trên đường đến trường.
“Tổ chức Plan International Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát và nhận thấy, trong trường học, trên xe buýt, ngoài công viên, đường phố hay bất cứ nơi đâu, phụ nữ và trẻ em gái đều có nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục nhiều hơn nam giới. Rất tiếc, đa số nam giới và người chứng kiến không dám can thiệp, hỗ trợ nạn nhân; còn phần lớn nạn nhân không có bất kỳ hành động phản ứng nào”, bà Lê Quỳnh Lan, quản lý Vùng dự án Hà Nội của Tổ chức Plan International Việt Nam nhận định.
Quấy rối, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái đã và đang là vấn đề nhức nhối, để lại hậu quả nặng nề, dai dẳng cho nạn nhân, gia đình, tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Chị N.T.H, trú tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) kể: “Gia đình tôi đang yên ấm, hạnh phúc, thì con gái nhỏ của tôi bị xâm hại tình dục. Biết tin, những tưởng người “trụ cột” trong gia đình sẽ là điểm tựa giúp mẹ con tôi vượt qua nỗi đau, nhưng chính anh lại trút nỗi đau lên mẹ con tôi. Vài năm trôi qua, nỗi đau thể xác, tinh thần vẫn chưa nguôi ngoai, khiến tình cảm gia đình tôi bị ảnh hưởng, kinh tế sa sút”.
Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bạo lực, xâm hại trẻ em "lấy đi" khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội của các nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam không là ngoại lệ.
Chủ động ngăn ngừa
Để ngăn ngừa hành vi quấy rối, xâm hại tình dục, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, thay vì im lặng, nạn nhân và gia đình họ hãy lên tiếng, cộng đồng xã hội hãy chung tay hành động. Trên thực tế, sự lên tiếng của những người trong cuộc và cộng đồng đã góp phần đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng, giúp công lý được thực thi.
Điển hình là vụ Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên án bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô trẻ em với mức án 18 tháng tù, cho hưởng án treo. Trước sự phản ứng của dư luận về bản án này, các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc. Có lẽ, mọi việc còn chưa kết thúc, những người vi phạm pháp luật sẽ bị trừng trị thích đáng.
Trước những lời cáo buộc có căn cứ, ca sĩ Phạm Anh Khoa đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Ngoài “bản án” lương tâm, nam ca sĩ bị một bộ phận công chúng yêu nhạc tẩy chay, một số đơn vị tổ chức sự kiện dừng hợp tác. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cũng tuyên bố chấm dứt hợp tác với ca sĩ này với tư cách là đại sứ hình ảnh về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Chưa hết, vụ thầy giáo dâm ô nhiều học sinh nữ ở Trường Tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức (Hà Nội); hay vụ thầy giáo dạy tiếng Anh quấy rối tình dục học sinh nữ ở huyện Phú Giáo (Bình Dương)… cũng đã và đang được xử lý kịp thời.
Song song với sự lên tiếng và hành động, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) mong muốn, ngành Giáo dục - Đào tạo đưa chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy chính thức trong trường học, giúp học sinh có đủ kỹ năng chủ động phòng, tránh, tự biết cách bảo vệ bản thân.
Dưới góc độ pháp luật, ông Hoàng Ngọc Tuyên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng tình kiến nghị này, luật sư Ngô Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư ANT cho rằng, các cơ quan chức năng cần xây dựng, thiết lập dịch vụ tư pháp thiết yếu, thân thiện, tôn trọng nạn nhân, tránh để nạn nhân bị “xâm hại” nhiều lần khi phải kể lại tỉ mỉ quá trình diễn ra vụ việc…
Trước những bất cập thấy rõ trong phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục, hy vọng, các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em gái. Với mỗi người dân, không có cách nào phòng, tránh hiệu quả hơn là chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, mạnh dạn tố cáo khi chứng kiến hành vi sai trái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.