(HNM) - Hiện có hàng nghìn doanh nghiệp ở Hà Nội đang nợ đọng bảo hiểm xã hội, khiến hàng chục nghìn người lao động chịu thiệt. Trước đây, cơ quan Bảo hiểm xã hội linh hoạt tách phần đóng bảo hiểm xã hội cho từng trường hợp để chốt sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Muôn kiểu nợ đọng bảo hiểm xã hội
Mới đây, chuyện hy hữu tại Công ty cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) hơn 11 tỷ đồng (nợ 39 tháng), đã khiến người lao động buộc phải khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Cụ thể là bà Nguyễn Thị Cẩm có quyết định cho nghỉ để hưởng chế độ BHXH từ 3 năm nay (tháng 11-2014) nhưng công ty không chốt sổ BHXH và giải quyết chế độ hưu trí. Ngày 20-9-2017, Tòa án xét xử, buộc công ty phải chốt sổ BHXH và chuyển hồ sơ của bà Cẩm đến BHXH quận Bắc Từ Liêm để giải quyết chế độ hưu trí. Cùng là "nạn nhân" ở một công ty, 3 năm nay, ông Đoàn Minh Chính, bà Phạm Thị Thanh có quyết định thôi việc nhưng chưa được chốt sổ BHXH và giải quyết chế độ hưu trí. Trong khi đó, cả 3 lao động này đều có giám định thương tật trên 60%.
Bà Nguyễn Thị Cẩm cho biết, vì công ty không chịu chốt sổ BHXH nên bà và 2 trường hợp trên không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tự chịu chi phí khám bệnh tự nguyện, trong khi không nhận được đồng lương hưu nào.
Còn nhiều câu chuyện khiến người lao động dở khóc dở cười. Đó là trường hợp Công ty cổ phần Xây dựng số 8 Thăng Long (nợ đọng BHXH hơn 6,5 tỷ đồng, nợ 72 tháng) nên đơn vị này buộc phải ký cam kết nợ tiền người lao động khi làm thủ tục tách đóng BHXH. Do công ty không có khả năng chi trả ngay cả khi một vài người lao động tách đóng BHXH để về hưu hoặc chuyển công tác. Để được việc, có 3 lao động đến tuổi nghỉ hưu và 4 người muốn chuyển công tác đã phải tạm ứng tiền túi để đóng cho cơ quan BHXH; còn công ty thì viết giấy cam kết nợ tiền người lao động...
Ông Trịnh Hà Trung, Phó Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH Hà Nội) cho biết, hiện có gần 24.000/51.183 đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH với số tiền hơn 2.600 tỷ đồng. Cơ quan BHXH Hà Nội đã kiến nghị với thành phố, đề nghị xem xét không tôn vinh, khen thưởng các đơn vị nợ đọng, không cho tham gia dự thầu, nhà đầu tư theo quy định tại Luật Đấu thầu. Cơ quan BHXH Hà Nội cũng đề nghị BHXH Việt Nam kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định về quản lý nợ BHXH; ban hành, sửa đổi các văn bản để tháo gỡ vướng mắc trong việc khởi kiện đơn vị nợ BHXH ra tòa án. |
Người lao động không nên thờ ơ
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Giám đốc BHXH quận Bắc Từ Liêm cho biết, theo Quyết định 959/ QĐ-BHXH ngày 9-9-2015, thủ tục giải quyết tách đóng cho NLĐ ở doanh nghiệp nợ đọng BHXH, thất nghiệp, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, y tế rất đơn giản. Cụ thể, doanh nghiệp có công văn nêu rõ lý do tách đóng, cam kết thanh toán (cùng lộ trình) món nợ để cơ quan BHXH có căn cứ theo dõi.
"Cơ quan BHXH rất linh hoạt cho doanh nghiệp tách khoản đóng cho người lao động khi họ có việc cần. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp cư xử với người lao động rất đáng trách. Đó là trường hợp người lao động bị mắc bệnh hiểm nghèo, tìm đến BHXH để giải quyết chế độ. Nhiều doanh nghiệp không đề xuất tách khoản đóng BHXH, BHYT, mà ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, khuyên người lao động mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Với những trường hợp này, dù muốn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động thì cơ quan BHXH cũng đành "bó tay" - bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết thêm.
Bà Bình cũng cảnh báo, theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ban hành ngày 14-4-2017 (thay thế Quyết định 959/QĐ-BHXH), tại Mục 3.2, Điều 46, với đơn vị nợ đọng, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ người lao động, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ nêu trên cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng. Sau khi thu hồi được số tiền doanh nghiệp còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Theo quy định này, sau ngày 1-7-2017, doanh nghiệp chỉ có thể tách đóng BHXH, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp chứ không được phép tách đóng bảo hiểm y tế cho người lao động. Như vậy, người lao động làm việc trong doanh nghiệp nợ đọng BHXH, lúc ốm đau, thai sản, bệnh hiểm nghèo đều phải tự bỏ tiền túi mà không có bất cứ hỗ trợ nào về y tế. Các chuyên gia BHXH cũng cho biết, có những doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, hoặc bỏ trốn thì không thể xác nhận thời gian đóng BHXH đủ cho người lao động, chỉ có thể xác nhận sổ BHXH đến thời điểm người lao động đã đóng.
Trước đây, việc tách khoản đóng bảo hiểm y tế cho người lao động trong doanh nghiệp nợ đọng BHXH là một hình thức linh động lúc người lao động ốm đau, bệnh tật. Nhưng bắt đầu từ 1-7-2017, khi Quyết định 595/QĐ-BHXH có hiệu lực thì mỗi người dân tham gia BHXH, bảo hiểm y tế được cấp một mã số BHXH duy nhất và mã số định danh này sẽ theo mỗi người suốt cuộc đời. Sự thay đổi này mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý, tránh việc trục lợi quỹ BHXH trên toàn quốc.
Vì vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo người lao động không nên thờ ơ hay im lặng khi doanh nghiệp trốn, nợ BHXH, thường xuyên quan tâm về số sổ BHXH đã đăng ký ở đơn vị mình, theo dõi danh sách nợ BHXH... để lựa chọn cho mình cách xử lý đúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.