(HNM) - Nhôm là kim loại phổ biến được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, các nhà khoa học ghi nhận có một số người có thể bị dị ứng với nhôm do tiếp xúc với các sản phẩm chứa nhôm, như chất hút mồ hôi, chất làm se da, một số thuốc trong tiêu hóa.
Một lượng nhỏ thủy ngân tiếp xúc với bề mặt nhôm cũng có thể phá hủy lớp ô xít nhôm bảo vệ bề mặt tấm nhôm, trong một thời gian ngắn. Vì vậy, các loại nhiệt kế thủy ngân không được phép sử dụng trong nhiều sân bay và hãng hàng không, vì nhôm là thành phần cấu trúc cơ bản của các máy bay.
Nhôm là loại phân tử có hoạt tính cao, đặc biệt là sau khi kim loại nhôm chịu nhiệt. Do đó, các loại dụng cụ chứa thực phẩm bằng nhôm, khi gặp phải một số loại thức ăn có acid, kiềm, muối dễ xảy ra phản ứng hóa học, hình thành chất hỗn hợp nhôm. Vì lượng nhôm này, khi hòa tan vào thức ăn đi vào cơ thể con người, sẽ tích tụ lại gây tác hại cho sức khỏe. Vì vậy, nồi nhôm không nên dùng để đựng và đun nấu các thức ăn chua, mặn, có mì chính, rượu... Vì nguyên tố nhôm có thể ảnh hưởng tới sự chuyển hóa chất photpho trong cơ thể, phá hoại hoạt tính của dung môi albumin trong dạ dày, dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa.
Công nghệ tái chế nhôm thủ công, đang rất phổ biến hiện nay, có sử dụng thêm nhiều loại hóa chất, phụ gia, nên nồi nhôm sản xuất thủ công có chất lượng thấp, khi đun nấu có thể giải phóng chất này vào thức ăn, hoặc bung ra khi cọ rửa, chà xát. Theo quy định, lượng chì có trong sản phẩm nhôm tái chế là 7mg/kg, nếu hàm lượng chì vượt quá sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe. Để tránh mua phải đồ nhôm kém chất lượng, người sử dụng lưu ý chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng, về cảm quan có lớp phủ của ô xít nhôm đồng nhất, sáng bóng đều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.