Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không đơn giản là ''hướng ngoại''...

Vân Anh| 21/05/2021 05:40

(HNMCT) - Việc thể thao Hà Nội xác định mở rộng nguồn tuyển chọn tài năng thể thao ra các tỉnh, thành phố khác là định hướng đúng. Thực tế cho thấy nhiều vận động viên “tỉnh ngoài” khi được mời về thi đấu trong đội hình thể thao Thủ đô đã giúp Hà Nội gặt hái thành tích ấn tượng.

Nhưng cũng phải nói thật, tâm lý “màu cờ sắc áo” trong người hâm mộ thể thao là không thể phủ nhận. Không có gì vui sướng hơn khi nhìn thấy “con em mình” thi đấu đỉnh cao, mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người dân thành phố - Thủ đô. Nói vậy không có nghĩa bài xích cách làm “hướng ngoại” của đội ngũ tuyển chọn tài năng thể thao bởi Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, nên dung nạp và trọng dụng nhân tài bốn phương là việc làm đúng. Nhưng chúng ta vẫn cần tìm cách tốt hơn nữa để khích lệ, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho nhân tài thể thao Thủ đô phát lộ, phát triển, phát huy năng lực cá nhân một cách hiệu quả.

Đời sống xã hội hiện đại cho giới trẻ nhiều thứ, nhưng cũng lấy đi một phần cơ hội vui chơi thể thao đúng nghĩa. Truyền hình, internet nở rộ, thời gian ở trường quá nhiều, sân chơi thể thao thiếu thốn... là nguyên nhân khiến trẻ không có hứng thú và thời gian tham gia hoạt động thể thao. Và cũng bởi nhiều trẻ không có cơ hội bộc lộ và phát triển tài năng thông qua hoạt động thể thao, nguồn vận động viên năng khiếu “nội địa” bị thu hẹp một phần.

Trong bối cảnh đó, thể thao học đường càng trở nên quan trọng. Về mặt này, Hà Nội đã có chiến lược và giải pháp cụ thể, nhưng hiệu quả thực hiện còn hạn chế. Nhà trường “được lệnh” chăm chút cho giáo dục thể chất, nhưng đa số chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức tối thiểu khi điều kiện về sân tập, dụng cụ thể dục thể thao còn ở mức thấp...

Ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ..., thể thao học đường thực sự là cái nôi nuôi dưỡng tài năng thể thao. Từ nhà trường, không thiếu vận động viên tới thẳng đội tuyển quốc gia, trở thành nhà vô địch châu lục, thế giới. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng cần quan tâm chăm lo cho thể thao học đường nhiều hơn, tốt hơn để khuyến khích tài năng thể thao phát triển. Về mặt này, sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Thể thao mang ý nghĩa quan trọng, không thể thiếu. Con mắt nhà nghề của cán bộ thể thao không chỉ giúp hoạt động giáo dục thể chất tốt hơn, mà còn giúp việc phát hiện, tuyển chọn, khích lệ tài năng thể thao phát triển đúng đắn hơn.

Nhìn chung, chúng ta có định hướng đúng, nhưng cũng phải tìm cách để việc triển khai thực hiện rõ tính chủ động, thiết thực, hiệu quả hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không đơn giản là ''hướng ngoại''...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.