(HNM) - Thời điểm này, tân sinh viên các cơ sở đào tạo đại học đã bước vào năm học 2022-2023 với nhiều khí thế và hy vọng. Làm nên khí thế ấy có sự đồng hành của nhiều lực lượng với mong muốn chia sẻ, tiếp sức cho các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà thiết thực, các suất học bổng, những tấm lòng thơm thảo ấy giúp các tân sinh viên không đơn độc trên chặng đường học tập.
Nỗ lực đồng hành
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên sinh viên quay trở lại học tập trực tiếp tại nhà trường sau 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Lường trước những khó khăn của sinh viên sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là với các em năm thứ nhất, nhiều trường học đã có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Năm học này, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đón hơn 7.000 sinh viên năm thứ nhất. Ngoài việc dành kinh phí hàng chục tỷ đồng làm quỹ học bổng, năm nay nhà trường duy trì Quỹ Học bổng Trần Đại Nghĩa. Đây là học bổng dành riêng cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nhà trường còn thông báo, hướng dẫn sinh viên khóa mới đủ điều kiện làm hồ sơ hưởng chế độ miễn, giảm học phí hoặc vay vốn ngân hàng. Rất nhiều trường hợp đã được nhà trường hỗ trợ ngay khi nhập học vào đầu tháng 10-2022. Một trong số đó là em Vũ Đăng Quang (sinh năm 2004), sinh viên năm thứ nhất được nhà trường tặng một máy tính trị giá hơn 20 triệu đồng để học tập. Em có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, cả bố và mẹ đã mất.
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội vận hành cơ sở đào tạo tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất). Xác định những khó khăn của sinh viên về việc tìm chỗ ở, đơn vị đã chủ động bố trí hai khu ký túc xá tại cơ sở Hòa Lạc; có xe đưa đón sinh viên. Nhà trường cũng huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp cho quỹ học bổng 6-10 tỷ đồng/năm để tặng sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Mới đây nhất, ngày 1-12, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam phối hợp với Báo Tiền phong đã trao học bổng “Nâng bước thủ khoa” năm 2022 cho 140 tân sinh viên là thủ khoa, có hoàn cảnh khó khăn đến từ nhiều trường đại học trên cả nước. Tổng giá trị của các suất học bổng được trao là gần 1,5 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật.
Biến động lực thành quyết tâm
Nhìn lại chặng đường 7 năm học bổng “Nâng bước thủ khoa” đồng hành cùng sinh viên khó khăn; sự hỗ trợ kịp thời, thường xuyên của nhà trường và niềm vui, sự tự tin của sinh viên cho thấy, sự quan tâm, đồng hành ấy đã trở thành động lực, giúp các em thêm quyết tâm thực hiện ước mơ chiến thắng khó khăn, nghèo đói bằng tri thức.
Câu chuyện xúc động của em Lô Thị Nga, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - một trong 140 tân sinh viên vừa được nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa” là một điển hình. Là người dân tộc Thái, sinh sống ở Nghệ An, năm 2021, em Lô Thị Nga đỗ đại học với 26,65 điểm, nhưng đành gác lại giấc mơ bước chân vào giảng đường do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố bị ung thư. Trước đó, chị gái của Nga cũng phải dừng học giữa chừng. Theo chân chị gái, Nga xin đi làm công nhân. Dù vậy, em vẫn khát khao được trở lại giảng đường, nên đã ôn luyện để thi lại và đạt 28,5 điểm/tổ hợp ba môn. “Thật may mắn khi em được nhận học bổng và có sự đồng hành của thầy, cô giáo, bạn bè. Mục tiêu của em là khắc phục khó khăn trước mắt, nỗ lực học tập thật tốt và mong sớm tìm được công việc làm thêm để hỗ trợ gia đình”, em Nga tâm sự.
Cũng là thủ khoa của một cơ sở đào tạo ở Hà Nội vừa được nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa”, em Bùi Nhật Thanh, tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại có một hoàn cảnh khác khi bản thân bị mắc bệnh tim, sức khỏe yếu. Nghẹn ngào khi nhắc lại hành trình vượt khó khăn, chiến đấu với bệnh tật và nuôi dưỡng ước mơ, em Thanh bày tỏ, học bổng giúp em vơi đi mối lo kinh phí, nhưng quan trọng hơn là giúp em cảm nhận rằng, em không đơn độc trên chặng đường thực hiện ước mơ.
Còn em Vũ Đăng Quang, tân sinh viên mồ côi cả bố và mẹ, hoàn cảnh khó khăn được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hỗ trợ học phí, tặng máy tính hồi đầu năm học, hiện là một trong những sinh viên ngành kỹ thuật nhiệt rất tích cực và nghiêm túc học tập. Vũ Đăng Quang tâm sự: "Việc gia cảnh khó khăn càng khiến tôi quyết tâm hơn trong học tập và trong cuộc sống, xứng đáng với sự quan tâm, đồng hành của thầy, cô giáo…".
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, mỗi câu chuyện là một hành trình dài về sự vất vả, về ý chí nỗ lực khắc phục khó khăn, song có cùng mong muốn được tiếp tục học tập. Sự hỗ trợ của các mạnh thường quân chắc chắn là động lực lớn, cũng là lời nhắc nhở các em cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ thay đổi cuộc sống bằng tri thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.