Giao thông

Không để xe tự chế... "nhờn luật"

Nhóm phóng viên 15/01/2024 - 07:55

Cuối năm âm lịch, lượng hàng hóa vận chuyển gia tăng khiến tần suất hoạt động của xe ba bánh, xe ba gác tự chế trên các tuyến phố của Thủ đô trở nên dày đặc. Các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện này vì thế cũng gia tăng gây bức xúc dư luận. Điều này càng khiến việc tăng cường xử lý vi phạm từ các phương tiện này trở nên cấp thiết, để không dẫn đến tình trạng "nhờn luật"...

tu-che.jpg
Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) xử lý xe tự chế trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Phùng Đô

Ngang nhiên “dạo” phố

Xe ba bánh, xe ba gác tự chế từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân Thủ đô. Những chiếc xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh, không có vật dụng che chắn, len lỏi, tung hoành trên khắp các ngả đường không chỉ khiến người tham gia giao thông khiếp sợ mà còn khiến lực lượng chức năng rất vất vả trong kiểm tra, xử lý. Đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà nguyên nhân chính từ xe tự chế này. Gần đây, ngày 12-1, một vụ tai nạn giữa xe tự chế chở sắt thép và xe máy trên đường Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khiến người đàn ông đi xe máy tử vong tại chỗ.

Thử gõ từ khóa “báo giá xe ba bánh điện, xe điện ba gác” trên công cụ tìm kiếm, chưa đầy 5 giây đã có hàng trăm kết quả địa chỉ cơ sở sản xuất, kinh doanh loại phương tiện này như xebabanh.vn, thế giới xe chạy điện, xebagac hoangtam.com, xebabanhchohang. com… Trung bình mức giá xe tự chế điện dao động từ trên 20 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng tùy loại.

Khảo sát trên nhiều tuyến phố ở địa bàn Thủ đô có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe ba bánh điện, xe điện ba gác… hay các loại xe máy tự chế đang oằn mình chở lượng hàng hóa lớn, cồng kềnh lưu thông trên đường phố. Đây phần lớn là những chiếc xe máy cũ được “độ” để tăng kích thước chở hàng. Càng những tuyến phố kinh doanh vật liệu xây dựng, khu chợ đầu mối, tuyến đường vành đai…, xe tự chế càng hoạt động tấp nập. Bà Nguyễn Bích Ngọc, một hộ dân sống tại phố Mai Động cho biết, trước đây các hộ sản xuất đá ăn trên địa bàn thường sử dụng xe tải nhỏ đi giao hàng. Từ khi xuất hiện xe ba bánh điện, xe điện ba gác, mẫu xe này ngày càng được nhiều người sử dụng để vận chuyển. Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông từ loại xe này rõ ràng cũng tăng lên.

Giải quyết vấn đề này, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, sau mỗi đợt ra quân, các loại xe “độ”, xe tự chế lại tiếp tục tung hoành trên khắp các ngả đường Thủ đô.

Cần xử lý triệt để từ “gốc”

Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố về việc xử lý nghiêm xe tự chế, tác nhân tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, đơn vị đã giao các đội Cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng Cảnh sát giao thông công an các quận, huyện, thị xã căn cứ vào đặc thù địa bàn của từng địa phương để tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.

Trực tiếp làm nhiệm vụ tại các tuyến đường trong và ngoài Vành đai 3, Đại úy Nguyễn Tuấn Phong, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 thông tin: “Chúng tôi thường xuyên xử phạt những xe ba bánh, ba gác tự chế chở hàng cồng kềnh nhưng chỉ cần vắng mặt lực lượng chức năng, các phương tiện này lại tiếp tục hoạt động. Hiện đội đang có kế hoạch tập trung xử lý nghiêm các loại xe này”. Còn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Đội Cảnh sát giao thông số 1 đã chủ động lên kế hoạch, phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm vừa tuần tra vừa kết hợp cắm chốt xử lý tại các khu vực có nhiều phương tiện dạng này lưu thông. Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, không chỉ Đội Cảnh sát giao thông và trật tự làm nhiệm vụ mà kế hoạch xử lý xe tự chế chở hàng cồng kềnh cũng được giao cho công an các phường trực tiếp thực hiện.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp) cho rằng, xe tự chế vẫn “lộng hành” khắp phố phường Hà Nội cũng do mức phạt đối với phương tiện này còn quá thấp. “Mục b, Khoản 3, Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Đây là mức phạt chưa đủ sức răn đe, do đó chủ phương tiện sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục sử dụng phương tiện vào mục đích kinh doanh dịch vụ”, luật sư Hồng Liên nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm của luật sư, Đại úy Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 thông tin, mức xử phạt không cao khiến các chủ phương tiện rất “linh hoạt” trong xử lý tình huống. Khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt, những chủ xe tự chế có giá trị cao sẵn sàng nộp phạt để lấy phương tiện ra, tiếp tục “hành nghề”; còn với những phương tiện tự chế cũ nát, chủ xe sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người.

Còn theo Trung tá Đào Việt Long, để xử lý triệt để tình trạng xe tự chế chở hàng cồng kềnh, lộng hành trên đường phố, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, các cơ quan quản lý cần tiến hành kiểm tra, xử phạt ngay từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh loại hình phương tiện này. Việc xử lý triệt để từ "gốc" sẽ khiến nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông từ loại hình phương tiện này bị giảm đáng kể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để xe tự chế... "nhờn luật"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.