Góc nhìn

Không để xảy ra “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”

Chí Kiên 07/04/2025 - 06:21

Công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đang bước vào giai đoạn nước rút với nhiều nhiệm vụ hệ trọng. Trong các phần việc đó, công tác cán bộ và bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý một cách thận trọng, thấu đáo. Quá trình triển khai đặt ra yêu cầu là tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

1. Từ thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta trong những năm qua cho thấy, đã xảy ra không ít vụ việc vi phạm có liên quan đến công tác cán bộ cũng như việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sai mục đích hoặc để thất thoát, lãng phí.

Trước hết nói về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”. Chúng ta hẳn còn nhớ những vụ việc được cơ quan có thẩm quyền đưa ra ánh sáng và đã xử lý nghiêm minh theo quy định. Điển hình như trường hợp ông Lê Phước Thanh đã bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) vì những biểu hiện ưu ái trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cho con trai mình là Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ. Rồi đến vụ việc rất “nổi tiếng” là sự thăng tiến nhanh chóng đến khác thường cùng những vi phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước của Trịnh Xuân Thanh; vụ “bổ nhiệm thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa... Hay vụ việc nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn...

Qua những vụ việc vi phạm, Đảng ta đã chỉ ra các loại “chạy” liên quan đến công tác cán bộ, đó là: “Chạy chức” trước khi bầu cử; “chạy quyền” trước khi phân công công tác; “chạy chỗ” trước khi bổ nhiệm; đồng thời chỉ rõ “chạy chức, chạy quyền” là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Nhìn sâu xa, “chạy chức, chạy quyền” thực chất là một dạng tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ, để lại những hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội và làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội.

Còn khi đề cập vấn đề bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công, thực tế những năm qua cũng xảy ra không ít vụ việc sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa, thất thoát, lãng phí. Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến giữa năm 2024, cả nước còn trên 63.000 cơ sở nhà, đất công chưa được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý. Trong số này, có hàng nghìn cơ sở đang để không nhiều năm, trong đó có những khu “đất vàng” tại các thành phố lớn; cùng với đó là những tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021... Thực trạng này cho thấy, việc xử lý trụ sở, tài sản công đang gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Liên quan đến vấn đề này, trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ thực trạng: “Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm”.

2. Hai vấn đề lớn nêu trên đặt trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta đang khẩn trương thực hiện công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy càng cho thấy tầm quan trọng cũng như trách nhiệm lớn lao của các cấp, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Bởi theo tính toán sơ bộ, sắp tới, khi hoàn thành việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện) thì số trụ sở hành chính cùng tài sản công liên quan cần lên phương án bố trí sử dụng sẽ lên đến con số hàng nghìn. Cụ thể, cấp tỉnh sau sắp xếp dự kiến có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; chấm dứt hoạt động gần 700 đơn vị hành chính cấp huyện; tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường trên cơ sở sắp xếp lại từ hơn 10.000 xã, phường, thị trấn hiện nay. Đó là chưa kể trước đó, trong giai đoạn 1 của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, số trụ sở các bộ, ngành ở cấp trung ương và sở, ngành ở cấp địa phương sau sáp nhập, giải thể được sử dụng như thế nào cho hiệu quả cũng đang là một bài toán hóc búa cần lời giải.

Rõ ràng, số trụ sở, tài sản công dôi dư kể trên cần phải được sử dụng hiệu quả, tránh để hoang hóa hoặc có hiện tượng lợi ích nhóm, tham ô, tham nhũng gây lãng phí nguồn lực. Nếu có giải pháp bố trí, sử dụng hữu hiệu, số tài sản lớn này sẽ trở thành nguồn lực phát triển cho đất nước.

Vậy, yêu cầu đặt ra là sử dụng như thế nào cho hiệu quả và đúng quy định pháp luật? Vấn đề đầu tiên cần được các địa phương quan tâm là phải sử dụng nhà, đất và tài sản công theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu thiết thực nhất cho người dân, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình công cộng như công viên, trồng cây xanh... Ngoài ra, có thể xem xét hợp tác với doanh nghiệp để khai thác các cơ sở nhà đất dôi dư hiệu quả; chuyển dịch tài sản công thành tài sản tư thông qua đấu giá, đấu thầu, tăng thu ngân sách cho địa phương...

Tương tự việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công, việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng đang đặt ra vấn đề hệ trọng cần giải quyết thấu đáo, đó là công tác cán bộ. Tổng Bí thư Tô Lâm khi đề cập đến nhiệm vụ này đã chỉ rõ: “Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội”. Như vậy, cấp có thẩm quyền khi lựa chọn người ưu tú để đảm đương các nhiệm vụ trong tình hình mới cần thực hiện đúng quy định hiện hành, bảo đảm nguyên tắc công bằng, không vị thân, không thiên vị.

Thực tế, công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng cơ quan, tổ chức. Do vậy, khâu đánh giá cán bộ để tìm được người tài cần thực hiện theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, cần có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Vì sự cấp bách và hệ trọng của những vấn đề nêu trên cũng như từ thực tiễn đặt ra, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cuộc họp gần đây nhất của Ban Chỉ đạo (ngày 25-3-2025) đã yêu cầu: “Cấp ủy, người đứng đầu các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác cán bộ và trong bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, địa phương khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để xảy ra “chạy chọt”, “lợi ích nhóm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.