(HNM) - Nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho các gia đình chính sách, người có thu nhập thấp, công tác phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ đặc biệt quan tâm, có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, kết quả phát triển giai đoạn 2016-2020 mới đạt 42% mục tiêu đề ra. Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn lực tài chính, việc quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội bị "xà xẻo" vì nhiều lý do cũng khiến công tác này đạt hiệu quả thấp.
Mới đây Quốc hội đã thông qua chính sách tài khóa, trong đó bố trí 2 gói hỗ trợ cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội và hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư vay xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân. Như vậy, nguồn lực đã có, điều quan trọng là chính quyền các địa phương cần dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP (ngày 1-4-2021) của Chính phủ cũng đã quy định rõ việc dành quỹ đất (20%) để xây dựng nhà ở xã hội tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị.
Để quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội không bị “xà xẻo”, năm 2022, Bộ Xây dựng đã lên kế hoạch thanh tra chuyên đề diện rộng việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật.
Trong tình hình hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án, các quỹ đất tại các khu nhà ở thương mại, khu đô thị là rất cần thiết nhằm nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa sử dụng. Từ đó, chấn chỉnh kịp thời doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.