(HNM) - Nên hay không nên quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng đang là vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình TAND Tối cao phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi).
Ngay cả Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, cần nghiên cứu quy định này hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước nơi mà tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Vì vậy, theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, áp dụng tập quán, nguyên tắc tương tự hoặc theo lẽ công bằng dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong xét xử, gây ra những hậu quả khó lường hết được, chưa nên triển khai. Hơn nữa quy định của Hiến pháp năm 2013 thì khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy nếu chưa có điều luật để áp dụng thì tòa án không có căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự, cũng sẽ không thể phát triển được án lệ để tòa án áp dụng giải quyết vụ án.
Ở chiều ngược lại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý và không ít ý kiến lại cho rằng, nếu chọn phương án như quan điểm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là một bước lùi. Nhìn vào thực tiễn cuộc sống, quá trình xây dựng pháp luật, lập luận trên không hẳn không có lý. Bởi cuộc sống luôn vận động, những vấn đề mới nảy sinh, luật chưa lường hết được. Ví như theo Luật Cạnh tranh, hành vi thỏa thuận ấn định giá dịch vụ chỉ bị cấm khi các bên tham gia có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên. Vấn đề là ở chỗ, nếu các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, xe máy lách luật, có thỏa thuận để thao túng giá nhưng không chạm đến mức 30% mà chỉ 29% thì không thể xử lý theo luật. Trong trường hợp này, rõ ràng luật không kín kẽ.
Trước vấn đề nêu trên, tòa án là cơ quan được Hiến pháp trao quyền bảo vệ công lý vẫn có thể căn cứ vào nghị định, thông tư mới ban hành, diễn biến thị trường, vào lẽ công bằng để giải quyết. Bởi khi luật pháp có khiếm khuyết, người dân, doanh nghiệp trông đợi vào tòa án chứ chẳng lẽ lại là một cơ quan nào khác?
Thiết nghĩ, đây là quan điểm rất nhân văn, tiến bộ, nếu không giữ được thì rất đáng tiếc. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ban soạn thảo tập hợp thêm thông tin, củng cố lập luận để thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.