(HNM) - Du lịch Việt Nam cũng như Hà Nội có “cơ hội vàng” khi Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua...
Du khách tham quan Thủ đô Hà Nội trong dịp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên. Ảnh: Diệu Anh |
Sức lan tỏa chưa từng có
Ngay từ đầu, Chính phủ, ngành Du lịch và chính quyền Hà Nội đã xác định, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên là cơ hội quảng bá rất tốt cho du lịch Việt Nam và Hà Nội. Như chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: “Hội nghị này thực sự là cơ hội "vàng" cho ngành Du lịch Việt Nam”.
Sự xuất hiện của 218 cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế, trong đó có những tên tuổi hàng đầu thế giới, với gần 3.000 phóng viên, quay phim, biên tập viên… tại Hà Nội vào dịp vừa qua, đã tạo nên kỷ lục số cơ quan báo chí quốc tế thông tin về một sự kiện diễn ra ở Việt Nam.
Chỉ cần một chi tiết này cũng đủ thấy những giá trị của việc được tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, Hà Nội đã phải chi tới 1 triệu USD/năm trong 2 năm qua để hợp tác với Mạng tin tức quốc tế CNN trong quảng bá hình ảnh của thành phố. Trong khi đó, hầu như toàn bộ những hãng thông tấn lớn nhất thế giới đã hội tụ tại Hà Nội với tràn ngập hình ảnh về thành phố đăng cai hội nghị này. Chỉ tính riêng trong 3 ngày (từ ngày 26 đến 28-2), đã có hơn 20.000 tin, bài, ảnh tuyên truyền về hội nghị và Thủ đô Hà Nội. Ngay cả việc các nhà đài thuê nóc các khách sạn và lấy hướng hậu cảnh là những địa danh nổi tiếng ở Hà Nội như: Tháp Rùa, Hồ Gươm, khu phố cổ Hà Nội… cũng góp phần quảng bá hiệu quả cho Hà Nội. Đó là chưa kể rất nhiều phóng viên quốc tế đã tranh thủ cơ hội để khám phá Hà Nội và các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh... kết hợp tác nghiệp.
Có những kết quả thấy được ngay như việc xuất hiện của gần 3.000 phóng viên, biên tập viên, quay phim và thành viên các đoàn tham dự hội nghị đã giúp tăng đáng kể lượng khách quốc tế đến Hà Nội dịp này. Trong tháng 2-2019, đã có 541.493 lượt khách quốc tế đến Hà Nội, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 380.128 lượt, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng của các khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội trong tháng 2 tăng cao, ở mức trên 90%. Đây là con số hiếm có trong hệ thống lưu trú tại Hà Nội từ trước đến nay.
Tính chung, trong tháng 2-2019, công suất sử dụng buồng, phòng bình quân khối khách sạn 3-5 sao đạt 78,2%, tăng 10,93% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 8,3% so với tháng 1-2019. Trong dịp hội nghị, xe buýt 2 tầng tại Hà Nội đã phục vụ hàng trăm lượt phóng viên quốc tế tham quan, tác nghiệp và mỗi ngày, Trung tâm Báo chí quốc tế của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên phục vụ hơn 1.000 bát phở bò và cũng ngót nghìn tách cà phê trứng… Cũng hiếm khi ẩm thực Hà thành được báo chí quốc tế khai thác nhiều và mạnh với những đánh giá tích cực như trong thời gian qua. Những hình ảnh về ẩm thực Hà Nội trên các kênh quốc tế lớn như CNN, ABC News, Washington Post…, rõ ràng là sự quảng bá tốt cho du lịch Hà Nội.
Tất cả những điều mắt thấy, tai nghe từ báo chí quốc tế về Việt Nam và Hà Nội nói riêng trong thời gian qua, chứng tỏ du lịch Việt Nam cũng như Hà Nội đang có những điều kiện không thể tốt hơn để đạt các mục tiêu, thậm chí tạo đột phá. Hình ảnh Hà Nội thân thiện, hòa bình với những món ăn và điểm đến du lịch phong phú, đa dạng… chắc chắn sẽ khiến nhiều du khách quốc tế phải chú ý hơn tới Hà Nội.
Tận dụng triệt để hiệu ứng của sự kiện
Du khách thích thú với sản phẩm được bày bán dịp Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. |
Trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch Việt Nam) thông tin: Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xây dựng kế hoạch để sau sự kiện sẽ tổ chức một loạt hoạt động xúc tiến tại Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó có điểm nhấn giới thiệu việc làm của nước chủ nhà đối với Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên; đồng thời, gia tăng sự ảnh hưởng tích cực của sự kiện tại các thị trường mục tiêu để thu hút khách du lịch. Tổng cục cũng phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tiếp tục quảng bá hình ảnh quốc gia, quảng bá du lịch nhân sự kiện đặc biệt này.
Còn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, qua sự kiện này, Việt Nam đã cho thấy được khả năng có thể tổ chức những sự kiện quốc tế lớn, đông người. Bởi vậy, du lịch Việt Nam cần chú ý đầu tư vào loại du lịch MICE - loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác, có thể thu hút hàng nghìn người mỗi đợt. Loại hình này sẽ mang đến cơ hội cho lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, viễn thông, an ninh, an toàn… Tuy nhiên, để loại hình này thực sự phát triển ở Việt Nam cũng như Hà Nội, hệ thống cơ sở hạ tầng, từ giao thông, viễn thông, an toàn, an ninh đến các địa điểm du lịch, trung tâm hội nghị lớn, khách sạn, loại hình giải trí... cần được phát triển một cách đồng bộ. Đặc biệt, Hà Nội cần thêm những khách sạn cao cấp 5 sao để đáp ứng nhu cầu, thay vì mới có hơn 10 khách sạn 5 sao như hiện nay.
Nắm bắt được sự lan tỏa của sự kiện, các công ty lữ hành tại Việt Nam như Vietravel, Fiditour… cũng đã thông báo khai thác trở lại tour đến Triều Tiên và ngược lại, chuẩn bị tinh thần để đón nhiều khách hơn từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản tới Việt Nam trong thời gian tới. Hiệu ứng truyền thông từ sự kiện là lý do để họ tin vào sự gia tăng nguồn khách từ những thị trường nêu trên.
Còn đại diện ngành Du lịch Hà Nội cho biết, sẽ có những động thái cụ thể để cùng các doanh nghiệp, cơ quan báo chí… thúc đẩy sự lan tỏa hiệu ứng truyền thông của sự kiện, góp phần giúp du lịch Thủ đô đạt được những cột mốc mới.
Tất nhiên, hiệu ứng của sự kiện vẫn chỉ là đường băng tốt để ngành Du lịch Việt Nam cũng như Hà Nội có thể cất cánh cao và xa hơn. Vấn đề vẫn là cách làm trực tiếp của những người liên quan đến du lịch nhằm tận dụng tốt cơ hội này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.