Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để lạm dụng "chữ Tây"!

Khánh Vũ| 19/10/2017 05:14

(HNM) - Luật Quảng cáo có quy định về tiếng nói, chữ viết trong hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn ở mức báo động, nhất là việc lạm dụng tiếng nước ngoài - tạm gọi là


Chỉ vì muốn thuận tiện

Điều 18, Luật Quảng cáo quy định về tiếng nói, chữ viết trong hoạt động quảng cáo. Theo đó, trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung được thể hiện bằng tiếng Việt; trong trường hợp sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới phần chữ tiếng Việt. Nội dung quảng cáo chỉ được sử dụng tiếng nước ngoài khi thể hiện nhãn hàng hóa, thương hiệu, tên riêng cùng những từ ngữ đã được quốc tế hóa, không thể thay thế bằng tiếng Việt.

Lực lượng chức năng tháo dỡ một biển quảng cáo sử dụng chữ nước ngoài sai quy định.


Việc lạm dụng tiếng nước ngoài xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật và ý thức của người kinh doanh. Chị Nguyễn Bích Vân, chủ một cửa hàng chăm sóc sắc đẹp tại quận Hoàn Kiếm cho biết, khi đăng ký kinh doanh chị đã nắm quy định sử dụng tiếng nước ngoài trên biển hiệu. Tuy nhiên, khi làm biển hiệu, chị quyết định dùng tiếng Anh cho thuận tiện vì cửa hàng hướng tới đối tượng khách lưu trú ở các khách sạn trong khu phố cổ. Chị Vân nói: “Nếu vi phạm mà bị phạt tiền thì tôi sẽ chỉnh sửa lại cho đúng quy định”.

Cán bộ lĩnh vực văn hóa một quận ở Hà Nội cho biết, dù việc quản lý, xử lý vi phạm về biển hiệu, biển quảng cáo là trách nhiệm của ngành Văn hóa nhưng do cơ quan chức năng đang phải tập trung cho các vấn đề gây bức xúc nhiều hơn như quảng cáo quá diện tích, đặt sai chỗ, không bảo đảm an toàn… nên các vi phạm “về chữ nghĩa” chưa được xử lý quyết liệt.

Thực hiện nhiều giải pháp

Trong thời gian qua, Tổ công tác liên ngành của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc lắp đặt bảng quảng cáo, biển hiệu trên địa bàn 19 quận, huyện. Sau sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hoạt động quảng cáo đã có sự chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng chữ nước ngoài vẫn gây nhức nhối, không chỉ vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo và Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ban hành kèm theo Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội mà còn ảnh hưởng tới vẻ đẹp phố phường, kỷ cương đô thị.

Giải quyết tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài là vấn đề phức tạp bởi vi phạm “muôn hình vạn trạng”, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, quy định sử dụng từ thay thế bằng tiếng Việt cũng khiến nhiều người bối rối.

Bác Nguyễn Ngọc Khương, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai nêu ý kiến: “Tôi không cực đoan tới mức cho rằng phải Việt hóa triệt để các từ nước ngoài. Tuy nhiên, không thể để tồn tại sự thiếu tôn trọng ngôn ngữ dân tộc đang thể hiện trên các biển hiệu, bảng quảng cáo như hiện nay. Nhìn sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, họ vẫn chuyển hoàn toàn các danh từ riêng sang bản ngữ. Chúng ta, nếu muốn làm vậy, thì còn dễ dàng hơn bởi đang dùng chữ viết hệ la tinh”.

Nhiều nhà quản lý cho rằng, việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài là hết sức cần thiết, tuy nhiên, khi xử lý, các cơ quan chức năng cần xem xét tới khía cạnh hội nhập về văn hóa, ngôn ngữ cũng như đặc trưng của các ngành nghề, đối tượng kinh doanh.

Theo ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội), cuối tháng 8 vừa qua, Sở đã có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, phát tài liệu, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện viết, đặt biển hiệu theo quy định ngay khi được cấp đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, các địa phương cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, phân loại, xử lý triệt để các bảng quảng cáo, biển hiệu có nội dung được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, cỡ chữ nước ngoài lớn hơn chữ Việt.

Ông Bùi Minh Hoàng cũng cho rằng, một số quy định trong Luật Quảng cáo còn chung chung; công tác quản lý còn có sự chồng chéo, các cơ quan chức năng chưa phối hợp chặt chẽ... Luật Quảng cáo ra đời năm 2012, đến nay đã bộc lộ hạn chế, cần sớm được sửa đổi, bổ sung để theo kịp thực tiễn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để lạm dụng "chữ Tây"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.