Góc nhìn

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Quỳnh Anh 13/01/2024 - 06:16

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.

Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống người dân, nhất là những người nghèo, đối tượng yếu thế với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhìn lại năm 2023, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng, Nhà nước ta vẫn dành nguồn lực lớn để đầu tư, hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Qua đó, an sinh xã hội được bảo đảm. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8% so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39,25%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, theo báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65...

Với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến mọi người dân. Điều này thể hiện rất rõ mỗi khi đất nước xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh... Đảng, Nhà nước lại có những việc làm thiết thực, kịp thời để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Còn nhớ, tháng 9-2023, xảy ra vụ cháy nghiêm trọng ở chung cư mini số 37 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ các nạn nhân. Hơn 132 tỷ đồng là số tiền huy động được phần nào giúp nạn nhân, gia đình nạn nhân vơi bớt đau thương, mất mát...

Bên cạnh đó, các phong trào như: “Cả nước chung tay vì người nghèo”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”... được triển khai liên tục, rộng khắp đã góp phần chăm lo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Ước tính, năm 2023, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cả nước vận động được trên 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới khoảng 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa khoảng 3.500 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 580 tỷ đồng; tặng 10.500 sổ tiết kiệm với kinh phí hơn 27 tỷ đồng...

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển. Với quan điểm xuyên suốt này, trong chuyến thăm, tặng quà công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại tỉnh Hải Dương vào ngày 10-1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng là đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hạnh phúc, ấm no, năm sau cao hơn năm trước”.

Trước đó, kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra ngày 5-1, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo: “Trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thời điểm có tác động tới người nghèo, nhóm yếu thế, người dân vùng xa, biên giới, hải đảo”.

Thời gian qua, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động chăm lo đời sống cho người dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Phạm vi bao phủ và khả năng giải quyết rủi ro của các chính sách an sinh xã hội còn thấp… Đặc biệt, người lao động vẫn phải đối diện với những rủi ro thất nghiệp. Cụ thể, tính đến hết tháng 11-2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 1 triệu người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Chăm lo đời sống người dân là một trong những khía cạnh quan trọng bảo đảm đất nước ổn định và phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về chính sách xã hội. Trước mắt là tiếp tục rà soát, quan tâm, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo, những người khó khăn, công nhân, người lao động, bảo đảm người dân có một cái Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trọn vẹn.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Mục tiêu này đang được hiện thực hóa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để ai bị bỏ lại phía sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.