Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Nhật Minh| 29/08/2021 05:38

(HNMCT) - Đúng với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19, Hà Nội luôn sát cánh cùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống ở 5 huyện của Thủ đô. Không chỉ là chuyện áo cơm thường nhật, không chỉ là những chính sách ưu tiên để vực dậy đời sống của bà con, mà còn là chuyện tiêm vắc xin phòng Covid-19, là các giải pháp kịp thời để ngăn chặn dịch bệnh đến bản làng...

Bác sĩ khám sàng lọc cho người dân xã Yên Bình, huyện Thạch Thất trước khi tiêm vắc xin. Ảnh: Trọng Tùng

An yên làng bản

Ngay từ khi dịch Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống dịch tại 14 xã thuộc 5 huyện có đồng bào DTTS sinh sống (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Mỗi huyện, xã đều thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.

Sinh hoạt quen thuộc trong đời sống văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào là các lễ hội, trò chơi dân gian, thế nhưng mùa lễ hội đến, các xã vùng DTTS cũng dừng các hoạt động tập trung đông người. Hơn thế, địa phương còn mở đường dây nóng, thành lập tổ cấp cứu lưu động, thiết lập khu vực cách ly, điều trị cho người mắc bệnh tại cơ sở y tế. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát việc cung ứng các thiết bị phòng hộ cá nhân để tránh tình trạng tích trữ, tăng giá; vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại cơ sở y tế, trường học, nơi ở... Giờ đây, người dân tại các xã vùng DTTS Thủ đô đã quen với những dòng chữ truyền thông về dịch bệnh trên pano, áp phích, “chịu đọc” những tờ báo in và tờ rơi được phát đến tận tay để hiểu về dịch bệnh, nguy cơ và cách phòng chống. Bà con quen cả với tiếng loa truyền thanh, những chiếc xe thông tin lưu động nhắc nhở thực hiện 5K, hạn chế tụ tập đông người, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về phòng chống dịch Covid-19...

Ân cần và hiểu con người nơi bản làng là điều dễ nhận thấy trong cách mà người làm công tác dân tộc giúp đồng bào chống dịch. Điển hình là trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, để đảm bảo thực hiện tốt chỉ đạo của Thành phố, ngày 24-7-2021, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-BDT thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố. Theo đó, Sở Chỉ huy do Trưởng ban Ban Dân tộc làm Trưởng ban đã được thành lập; phương án phòng, chống dịch được "lên khuôn"; các đoàn kiểm tra cũng được thành lập, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS để kịp thời tham mưu, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương giải quyết tình huống khi cần thiết; đồng thời nắm tình hình về đời sống của đồng bào để kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ các hộ gặp khó khăn; viết bài tuyên truyền về dịch Covid-19 đăng trên website của Ban Dân tộc, Bản tin Dân tộc Hà Nội để góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng DTTS, từ đó chung tay với chính quyền cơ sở chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch.

Các xã vùng DTTS cũng thành lập Sở Chỉ huy, các chốt kiểm soát có thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã và cụm dân cư ứng trực 24/7, đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời các tình huống phát sinh trên địa bàn; giám sát dịch chặt chẽ tại cộng đồng, luôn trong tình trạng phản ứng nhanh để phát hiện sớm, nhanh chóng truy tìm “dấu vết”, khoanh vùng dập dịch kịp thời. Như xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) đã lập 10 chốt kiểm soát, trong đó  có 2 chốt do UBND huyện thành lập và 8 chốt do UBND xã thành lập. Ngoài ra, địa phương còn thành lập 2 chốt tại chợ Chẹ, kiểm soát chặt chẽ 2 phiên chợ diễn ra vào thứ tư và chủ nhật.  

Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc Thành phố Hà Nội cho biết, Ban Dân tộc thành phố vẫn đang tiếp tục phối hợp với các huyện có đồng bào DTTS sinh sống để thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như phát thanh, tờ rơi, xe lưu động, loa kéo..., hướng dẫn đồng bào thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND, Ban đã và đang phối hợp với UBND 5 huyện huy động sự tham gia của các thành phần xã hội, đặc biệt là người có uy tín trong việc vận động nhân dân hạn chế di chuyển khi không cần thiết; quản lý nghiêm ngặt biến động dân cư trên địa bàn để kịp thời có biện pháp xử lý trong tình huống dịch bệnh phát sinh.

Ấm lòng đồng bào

Theo số liệu thống kê của 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, tính đến hết ngày 5-8-2021, có 12.281 người ở 14 xã vùng DTTS và miền núi đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.  

Huyện Ba Vì là nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống nhất nên Thành phố luôn dành sự quan tâm, chăm lo mọi mặt, từ cơ sở hạ tầng tới đời sống, sức khỏe của người dân. Nhờ thế mà 7 xã dân tộc miền núi của huyện cho đến nay chưa có bệnh nhân Covid-19. Để công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả cao, huyện đã tổ chức hơn 30 điểm tiêm chủng, triển khai tiêm cho bà con các xã vùng dân tộc miền núi. Đồng hành tại các điểm tiêm là các đội cấp cứu, bác sĩ có chuyên môn cao để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng.     

Chỉ tính riêng xã Ba Vì của huyện Ba Vì - địa phương có đến 98% đồng bào Dao sinh sống, tính đến ngày 5-8 đã có 203 trường hợp được ưu tiên tiêm phòng Covid-19. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà thông tin: "Đối với với dịch Covid-19, địa phương chú trọng biện pháp “phòng là chính”. Một trong những giải pháp quan trọng là tiêm phòng vắc xin cho đối tượng ưu tiên, trong đó có đồng bào DTTS”. Đồng bào Dao cũng cảm thấy yên tâm và ấm lòng trong mùa dịch, càng tin tưởng hơn vào chính quyền, cùng đoàn kết đồng lòng chung tay “đánh đuổi” dịch bệnh. “Cá nhân tôi ủng hộ và sẽ vận động người thân chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch” - ông Dương Trung Phong (thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì) chia sẻ.

Xã dân tộc miền núi An Phú (huyện Mỹ Đức) cũng luôn nhận được sự chăm lo chu đáo từ Thành phố. Ngay sau đợt tiêm vắc xin dành cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, bà con DTTS đã được ưu tiên tiêm phòng. Tính đến ngày 5-8, xã An Phú đã ưu tiên tiêm cho 716 đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS. Tại 12 xã vùng đồng bào DTTS còn lại của 4 huyện: Ba Vì (ngoài xã Ba Vì còn có thêm 6 xã khác), Thạch Thất (3 xã), Quốc Oai (2 xã) và Chương Mỹ (1 xã), công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được tập trung cao độ, trong đó, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đặc biệt quan tâm. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Vì Nguyễn Bá Minh cho biết: “Hiện nay, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp căn cơ để có thể ngăn chặn dịch Covid-19”. Được biết, trên cơ sở số lượng vắc xin được Thành phố phân bổ, các địa phương sẽ tiếp tục triển khai tiêm phòng đảm bảo đúng đối tượng ưu tiên, trong đó tiếp tục quan tâm đến nhóm đồng bào DTTS.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là quan điểm nhất quán của những người làm công tác dân tộc. Quan điểm đó đã được thể hiện rõ nét tại các bản làng vùng DTTS của Thủ đô khi cả hệ thống chính trị chung tay cùng người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch  Covid-19.

Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội:

“Việc đến nay có hàng ngàn đồng bào vùng DTTS của Thủ đô được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 miễn phí thể hiện sự quan tâm lớn của Hà Nội đối với công tác dân tộc nói chung. Bên cạnh giải pháp tiêm phòng, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại vùng đồng bào DTTS được Ban Dân tộc thành phố và các địa phương hết sức chú trọng”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.