Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không "đánh trống bỏ dùi"

Triệu Dương| 08/10/2016 06:20

(HNM) - Hai cái chết thương tâm liên quan đến các phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh vừa xảy ra tại Hà Nội như một lời cảnh tỉnh cho việc cần thiết phải xử lý nghiêm, loại bỏ những mối nguy tiềm ẩn, lâu nay đã trở nên

Theo chân các chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận đã có những chuyển biến tích cực sau tuần “cao điểm” kiểm tra, xử lý phương tiện cồng kềnh, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là về ý thức của chủ hàng, người điều khiển phương tiện. Lực lượng chức năng cho biết sẽ không "đánh trống bỏ dùi"...

Cảnh sát giao thông  xử lý các phương tiện vi phạm an toàn giao thông.


Quyết liệt ra quân

Sáng 4-10. Mới 5h sáng, trụ sở Đội CSGT số 2 đã tấp nập. Còn một tiếng đồng hồ nữa mới đến ca trực sáng, nhưng vì vừa tròn một tuần ra quân xử lý phương tiện cồng kềnh, chở quá khổ, quá tải mà kết quả của Đội có phần “thua chị kém em” nên các cán bộ, chiến sĩ ai cũng như hăng hái hơn.

Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội CSGT số 2 lý giải, địa bàn quận Ba Đình từ trước đến nay không phải là nơi các phương tiện tự chế, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh qua lại thường xuyên, nên có thể vụ việc không nhiều nhưng khi phát hiện toàn những việc nổi cộm. Giở cuốn sổ công tác của đơn vị, Trung tá Hà Văn Tuân cho biết, ngay từ ngày đầu ra quân cách đây một tuần tổ công tác của Thượng úy Hoàng Minh Hiếu và Thiếu úy Nguyễn Viết Quốc khi làm nhiệm vụ tại ngã tư Nguyễn Thái Học - Chu Văn An đã tạm giữ 2 xe máy BKS tỉnh Phú Thọ lợi dụng đêm tối vận chuyển nhiều tấm tôn dài hàng chục mét trên đường.

Dù lượng xe thô sơ hoạt động không nhiều nhưng không vì thế mà cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT số 2 lơi là cảnh giác. Trước khi giao nhiệm vụ cho các tổ tuần tra, các chốt CSGT xuống đường, Trung tá Hà Văn Tuân luôn căn dặn, vì mưu sinh nên những người điều khiển các phương tiện thô sơ, chở quá khổ, quá tải sẽ tìm mọi cách né tránh để hoạt động. Khi các lực lượng tăng cường xử lý thì họ sẽ chọn đi vào các khung giờ giữa 2 ca trực. Đúng như phán đoán, vào 13h15 ngày 4-10, Tổ công tác Đội CSGT số 2 gồm Thiếu tá Trần Văn Toản và Thiếu úy Nguyễn Ngọc Nghĩa làm nhiệm vụ tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh phát hiện một xe 3 bánh tự chế kéo theo rơ moóc gồm nhiều vật liệu xây dựng, lưu thông theo hướng từ Liễu Giai đi Nguyễn Chí Thanh. Thay vì chấp hành hiệu lệnh của CSGT, người điều khiển phương tiện đã quay đầu bỏ chạy khiến khu vực ngã tư trở nên hỗn loạn. Sau một hồi quanh co chờ chủ phương tiện là Phạm Văn Khởi (SN 1977 ở Trực Ninh, Nam Định) có mặt, người điều khiển phương tiện là anh Ngô Bá Nung (SN 1982 ở Trực Ninh, Nam Định), mới chịu hợp tác làm việc. Vì cả hai không xuất trình được bất kỳ giấy tờ kiểm định, đăng ký được lưu thông của loại phương tiện “kỳ dị” trên, tổ công tác đã lập biên bản thu giữ. Và để vận chuyển được chiếc xe này về bãi tập kết, tổ công tác phải huy động cả xe cứu hộ giao thông chuyên dụng.

Trên địa bàn huyện Gia Lâm, quận Long Biên thuộc quản lý của Đội CSGT số 5, ngay từ những ngày đầu triển khai kế hoạch, Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng đã quán triệt phải xử lý thật nghiêm. Nói là làm, những CSGT giỏi nghiệp vụ như Đại úy Nguyễn Thành Trung, Trung úy Phạm Văn Sơn… được "tung ra" đường để trinh sát, nắm quy luật đi lại của loại phương tiện này.

Sau khi thu thập và phân tích các dữ liệu, Thượng tá Nguyễn Đức Chung quyết định dùng chốt chặn Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ làm nơi xử lý các phương tiện bởi ở khu vực ngã tư này rộng rãi khi dừng xe, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Suốt một tuần qua, tại khu vực này đơn vị đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm. Để người điều khiển các phương tiện giao thông chở hàng cồng kềnh, tâm phục, khẩu phục, lực lượng CSGT mang thước đo rất cẩn thận... sau đó mới tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm. Các trường hợp bị lực lượng CSGT xử lý đều chấp hành và không có hành vi chống đối.

Duy trì kiểm tra, xử lý

Theo chân các tổ công tác Đội CSGT số 14 do Trung tá Phạm Văn Tuyến, Đội phó chỉ huy những ngày qua ghi nhận, trên các tuyến đường Giải Phóng, Phan Trọng Tuệ, Vành đai 3, Linh Đàm… lượng xe thô sơ, xe thương binh chở hàng cồng kềnh đã giảm hẳn. Có những ca trực các tổ công tác cắm chốt và tuần tra nhưng không phát hiện, xử lý trường hợp nào. Trung tá Phạm Văn Tuyến đánh giá, so với ngày ra quân cách đây một tuần địa bàn quận Hoàng Mai do Đội CSGT số 14 quản lý đã xử lý hàng chục trường hợp thì dấu hiệu người điều khiển phương tiện không còn “nhờn luật” hay cố tình vi phạm cũng là một tin vui.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, các tổ công tác Đội CSGT số 1 thường xuyên kiểm tra các phương tiện xích lô chở khách du lịch nước ngoài để ngăn chặn "xe giả" trà trộn. Tại những địa điểm đón khách nước ngoài du ngoạn phố cổ bằng xích lô được quy định ở tuyến đê Trần Quang Khải cũng không có tình trạng lộn xộn, được hướng dẫn đi từ 2 đến 3 xe trở lên, giữ khoảng cách để bảo đảm các phương tiện khác lưu thông bình thường. Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 nhận định, địa bàn Hoàn Kiếm có chợ đầu mối Long Biên là nơi các phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh hoạt động mạnh, tuy nhiên đơn vị đã ra thông báo với tiểu thương nếu cố tình hoạt động sẽ tịch thu và xử phạt theo quy định.

Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT cho biết, không đợi đến khi xảy ra hàng loạt tai nạn thương tâm liên quan đến người điều khiển phương tiện thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh CSGT Hà Nội mới ra quân xử lý như kiểu “chữa cháy”, mà tháng nào đơn vị cũng thực hiện ít nhất 2 chuyên đề giao các Đội CSGT địa bàn xử lý đối tượng là xe giả danh thương binh, xe xích lô không có đăng ký…

Trở lại câu chuyện thương tâm của bác xích lô Đinh Ngọc Thạch (tức Bình ở Tân Mai, quận Hoàng Mai) người vô tình gây ra cái chết cho một em nhỏ khi chở tôn trên đường. Đến nay, sau hơn một tuần xảy ra vụ việc, câu chuyện đã gần như khép lại. Là luật sư nhận bào chữa miễn phí cho bác Thạch, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, hoàn cảnh gia đình bác Thạch rất khó khăn, bản thân bác lại là cựu chiến binh nên nhận được sự đồng cảm của gia đình nạn nhân và toàn xã hội. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta cổ súy cho những phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro trên đường. Khi tiếp xúc với bác Thạch và gia đình, đồng đội của bác và mọi người cũng hiểu rằng cần phải loại bỏ những phương tiện và hình thức vận chuyển không bảo đảm an toàn ra khỏi cuộc sống đô thị… Nhận thức tích cực ấy giống một động lực tiếp thêm sự phát triển cho xã hội, và hy vọng rồi đây đường phố Thủ đô sẽ vắng bóng những chiếc xe chở hàng cồng kềnh gây nguy cơ mất an toàn cho người khác.

Sau một tuần triển khai kế hoạch xử lý các trường hợp người điều khiển phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, Phòng CSGT-CATP Hà Nội đã xử lý 1.948 trường hợp; tạm giữ 1.600 bộ giấy tờ và 276 phương tiện... Trong thời gian tới, CSGT Hà Nội tiếp tục ra quân mạnh mẽ để tiến tới loại bỏ những phương tiện mất an toàn trên.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không "đánh trống bỏ dùi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.