Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có "vùng cấm" trong đáp án chấm thi của Bộ

Triệu Hoa| 10/07/2014 15:50

(HNMO)- Ông Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT khẳng định nguyên tắc chấm đề mở là thí sinh truyền tải thông điệp đúng sẽ cho điểm chứ không có “vùng cấm” nào.

Chiều 10-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết toàn quốc có 141 trường ĐH tổ chức thi đợt 1 và 141 trường tổ chức thi đợt 2 trong những ngày vừa qua. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi ĐH ở cả hai đợt là hơn 1,5 triệu. Số thí sinh dự thi là gần 1,2 triệu, đạt tỷ lệ 77,84% (tăng 0,24% so với năm 2013)

2 đợt thi: 226 thí sinh bị xử lý kỷ luật

Cả 2 đợt thi đều được đánh giá nghiêm túc, trật tự và an toàn


Công tác tổ chức thi tuyển sinh được đánh giá nghiêm túc, không khí trường thi trật tự, an toàn. Các hội đồng thi kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vi phạm quy chế. Trong cả hai đợt thi, cả nước có 226 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó có 171 em bị đình chỉ thi. Đa phần do các thí sinh này mang điện thoại vào phòng thi.

Đề thi của cả hai đợt được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các Hội đồng thi, các điểm thi, phòng thi.

Theo đánh giá ban đầu từ các chuyên gia, của dư luận xã hội cũng như của thí sinh dự thi, đề thi ĐH của các môn thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yêu là lớp 12; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, vừa sức với đa số thí sinh.

Đề thi đã ra theo hướng đánh giá năng lực, kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học để xử lý những vấn đề thực tiễn, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, Anh văn được đánh giá cao ở chỗ lồng ghép các nội dung có tình thời sự liên quan đến chủ quyền biển đảo, giải pháp tạo công ăn việc làm cho giới trẻ.

“Năm nay có 62 trường có đề án tự chủ tuyển sinh riêng được xác nhậ phù hợp với Quy chế. Các trường đã triển khai các đề án tuyển sinh riêng theo kế hoạch và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Một số ngành tuyển sinh riêng đã thu hút một lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển như tại ĐH Đà Nẵng có 500 hồ sơ đăng ký xét tuyển cho một chuyên ngành đào tạo chỉ có 25 chỉ tiêu.

Từ những kết quả bước đầu đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ-ĐH, Bộ đang xây dựng đề án một kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ và sẽ đưa ra tham khảo dư luận trong thời gian tới” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Đề thi đồng bộ để thí sinh không... choáng

Những bài làm có lập luận logic, chặt chẽ, trong sáng sẽ được chấm điểm cao


Cách chấm điểm với những đề thi mở sẽ như thế nào? Những bài thi sáng tạo khác với đáp án có được cộng điểm không và kế hoạch tuyển sinh trong năm 2015 của Bộ là những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của báo giới.

Trong đề thi môn Địa lý (khối C), thí sinh phải phân tích nguyên nhân và hướng giải quyết cho tình trạng thiếu việc làm còn đang khá gay gắt ở nước ta hiện nay. “Vậy nếu thí sinh nêu một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp hiện nay là do Bộ mở “quá tay” các ngành ở trường cũ và cả trường mới thì Bộ có cho điểm không?”

Trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Chinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định nguyên tắc chấm điểm của đề mở là truyền tải thông điệp đúng sẽ cho điểm chứ không có bất kỳ “vùng cấm” nào.

Trước nhận định nhiều thí sinh đã “choáng” với cấu trúc đề thi mới năm nay và nguyên nhân do các em chưa có đủ thời gian để làm quen với hàng loạt đổi mới của Bộ, ông Chinh khẳng định: “Kỳ thi ĐH năm nay Bộ xây dựng trên cơ sở đồng bộ với những gì đã làm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong những năm học vừa qua, các trường phổ thông đã tích cực đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cậ đánh giá năng lực; đã có những sự chuẩn bị và có đề dạng vận dụng, dạng mở, tổng hợp. Điều đó cho thấy những gì Bộ đã làm rất nhất quán, đồng bộ với định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT. Đương nhiên đề thi ĐH phải có mức độ khó cao hơn, tính phân hóa phải cao hơn để tuyển chọn các em

Nội dung đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình SGK chứ không vượt quá. Về các câu hỏi mở, đáp án cũng mở. Nếu đáp án đóng là đếm ý lấy điểm thì đáp án mở, trên cơ sở dựa vào những chuẩn chung, học sinh truyền tải được thông điệp, ý tưởng phù hợp với thuần phong mỹ tục, pháp luật Việt Nam thì được tính điểm. Nếu các em lập luận trong sáng, logic, chặt chẽ thì sẽ được điểm cao hơn”

Sắp tiến tới một kỳ thi Quốc gia 2 mục đích


Về kỳ thi Quốc gia nhằm 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng việc thực hiện một kỳ thi Quốc gia với xây dựng đề án tuyển sinh riêng của từng trường sẽ không có gì mâu thuẫn.

Lãnh đạo Bộ GD khẳng định kỳ thi Quốc gia sẽ không cướp đi quyền tự chủ của các trường


“Kỳ thi Quốc gia là kỳ thi phổ thông được đổi mới. Đề thi có phần dễ, trung bình, khó và rất khó để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Mỗi đề án tuyển sinh riêng của các trường đều công bố ngưỡng chất lượng đầu vào, sau đó kèm theo kiểm tra về năng lực và chọn lựa từ trên xuống. Khi mà các trường thực hiện tuyển sinh riêng xong, Bộ sẽ lập các tổ thanh tra đi kiểm tra lại việc tuyển sinh riêng, bảo đảm cam kết thực hiện chất lượng”  -Thứ trưởng Ga phân tích.

Vậy liệu Bộ có tiến hành kỳ thi Quốc gia ngay trong năm 2015? – trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Chinh không đưa ra câu trả lời cụ thể mà chỉ cho rằng, hiện Bộ đang tích cực và chủ động tổ chức cho kỳ thi chung dựa trên những nền tảng cơ bản đã được chuẩn bị từ những năm trước đây trong dạy học, kiểm tra, đánh giá…theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Bộ cam kết sẽ thực hiện đúng lộ trình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không có "vùng cấm" trong đáp án chấm thi của Bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.