(HNM) - Người dân lo ngại trước việc vàng miếng SJC bị phân biệt giữa loại một chữ và hai chữ; thậm chí có lúc vàng miếng SJC một chữ bị ngừng giao dịch, thu mua. Vậy cơ quan chức năng nói gì về vấn đề này?
Vàng miếng một chữ là vàng miếng SJC có một ký tự trước dãy số seri, được Công ty SJC sản xuất từ trước năm 1996. Tuy nhiên, hầu hết người dân khi đi mua vàng đều không chú trọng vào đặc điểm này, mà chỉ quan tâm đến chất lượng vàng. Thực tế, vàng miếng một chữ hay hai chữ đều do một đơn vị sản xuất, cung ứng; được người dân tích trữ, giao dịch lâu nay. Gần đây, chính đơn vị sản xuất vàng miếng này đã ngừng mua lại vàng một chữ, với lý do hết hạn mức gia công. Và khi được cấp hạn mức, người dân đã phản ánh tình trạng vàng một chữ bị đối xử không công bằng với giá mua thấp hơn nhiều.
Trước những phản ánh của người dân về thực trạng bán vàng miếng SJC trên thị trường, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh khẳng định, căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Công ty SJC có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật, người tiêu dùng. Còn theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nhà nước công nhận tất cả các loại vàng miếng đã từng được NHNN cấp phép sản xuất. Vì thế, vàng miếng SJC một chữ số hay hai chữ số đều được lưu thông bình thường, không có sự phân biệt.
Theo đề nghị của Công ty SJC, ngày 12-1, NHNN đã có văn bản chấp thuận cho Công ty SJC gia công vàng miếng SJC móp méo, với hạn mức 30.000 lượng trong 6 tháng đầu năm 2016. Cùng ngày, NHNN đã có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh giám sát quá trình gia công, yêu cầu Công ty SJC thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm bảo hành sản phẩm vàng miếng do đơn vị sản xuất, gia công, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Về phía người tiêu dùng, NHNN khuyến cáo nên bình tĩnh khi quyết định mua, bán vàng miếng SJC để tránh thiệt hại không đáng có.
* Sau 3 ngày liên tiếp giảm, ngày 21-1, tỷ giá trung tâm đã tăng trở lại, với mức tăng 9 VND/USD, được NHNN niêm yết ở mức 21.910 VND/USD. Như vậy, với biên độ + 3%, mức trần giá USD mà các ngân hàng có thể áp dụng là 22.597 VND/USD. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng thương mại giao dịch USD thấp hơn, ở giá 22.385 VND/USD (mua vào) - 22.455 VND/USD (bán ra). Ngay cả trên thị trường tự do, giá USD cũng dưới "trần", bán ra với giá 22.550 VND/USD.
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ, Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển (BIDV), trong năm 2016, dự đoán cán cân thanh toán có thể thặng dư 5-7 tỷ USD; cộng với việc tham gia TPP, các FTA, sẽ là điều kiện để dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, tạo ra dư địa để NHNN có thể áp dụng tỷ giá USD/VND ở mức độ hợp lý. Trong lịch sử, năm 2007 Việt Nam bắt đầu vào WTO, dòng vốn nước ngoài chảy vào mạnh, kéo tỷ giá USD/VND giảm, thậm chí VND còn tăng giá so với USD. Việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư năm 2016 được đánh giá hơn năm 2007, nếu tận dụng tốt chính sách hoặc lợi thế của việc tham gia TPP và FTA.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.