(HNMO) – Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, có hiệu lực từ tháng 7-2019 có nhiều điểm mới. Một trong số những điểm đáng chú ý là không có sự khác biệt về giá trị văn bằng giữa các hình thức đào tạo khác nhau. Sự khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học sẽ cấp bằng cho người học theo trình độ đào tạo, không phân biệt hình thức đào tạo.
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi vừa có hiệu lực, hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ giáo dục đại học hiện nay bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức, kỹ năng, chuẩn “đầu ra”... của các chương trình đào tạo, cho dù được thực hiện theo hình thức đào tạo nào, đều phải bảo đảm chất lượng như nhau.
Cũng theo quy định tại Luật Giáo dục đại học sửa đổi, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương tương. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.
Đây là những điều chỉnh khá mạnh mẽ và được coi là “chìa khóa” có thể tháo gỡ những nút thắt trong quá trình tự chủ đại học của các cơ sở giáo dục tại Việt Nam, thúc đẩy sự đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các loại hình đào tạo, đồng thời tạo sự bình đẳng cho người học dù theo học ở bất cứ loại hình nào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.