Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ thiếu tính khả thi

Đỗ Tâm| 21/05/2012 06:59

(HNM) - Việc Bộ Xây dựng vừa có Công văn hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp sử dụng nhà ở sai mục đích đang làm dấy lên tranh luận về tính khả thi của quy định cũng như những tác động của văn bản này tới quyền lợi của người dân…

Tại Công văn số 669/BXD-TTr ngày 27-4-2012 gửi Sở Xây dựng Bình Thuận, Bộ Xây dựng hướng dẫn: "Tại Khoản 4, Điều 52, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở quy định: "Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nhà ở trái mục đích quy định". Căn cứ quy định trên, chỉ những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở mới bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với những trường hợp vừa kinh doanh, sản xuất vừa ở thì có thể xem xét không xử phạt vi phạm hành chính.

Công văn 669 của Bộ Xây dựng được hiểu là không chỉ hướng dẫn riêng Sở Xây dựng Bình Thuận mà áp dụng chung cho các địa phương khác trong cả nước vì đây cũng là vấn đề rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng quy định trên, số trường hợp bị xử phạt sẽ không phải là nhỏ vì trên thực tế, việc cho thuê nhà để mở cửa hàng, cơ sở sản xuất, dịch vụ hay văn phòng - gọi tắt là sản xuất, kinh doanh (SX- KD) ở địa phương nào cũng có và thực tế đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng của không ít gia đình khi cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nếu thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì hệ lụy sẽ còn lớn hơn nhiều bởi các hoạt động cho thuê nhà ở để SX-KD sẽ bị đình chỉ ngay khi người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà ở là việc hết sức phức tạp, thường rất khó thực hiện trên thực tế. Công văn số 669 hướng dẫn: "Chỉ những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở mới bị xử phạt vi phạm hành chính", có nghĩa là mọi trường hợp sử dụng nhà ở cho các mục đích khác (không phải để ở) đều bị cấm được dư luận coi là việc làm quá thẩm quyền, thiếu cả cơ sở pháp lý và thực tiễn, xâm phạm tới quyền của chủ sở hữu nhà ở đã được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở quy định và bảo vệ. Trong khi đó, chuyện cho thuê nhà ở để SX- KD đã diễn ra hết sức tự nhiên trong đời sống xã hội nên để xác định được "những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở" là điều không dễ. Ai và cơ quan nào sẽ đi kiểm tra và xác nhận hiện trạng sử dụng của ngôi nhà, căn hộ là để ở hay đã cho thuê để xử phạt? Ai đứng ra xử phạt và quản lý tiền xử phạt ấy?... Chưa kể, Luật Doanh nghiệp ra đời để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân đăng ký kinh doanh nhưng trong quy trình thụ lý hồ sơ, cơ quan cấp phép cũng không được đòi hỏi người đăng ký phải trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà mà người đăng ký sẽ chịu trách nhiệm về các khai báo của mình, tự nghiên cứu các điều kiện đi kèm khi muốn ra kinh doanh. Thế nên, việc Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn không được dùng căn hộ chung cư làm văn phòng, nay lại thêm quy định này nữa thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thành lập doanh nghiệp mới khi mà nền kinh tế đang rất cần sự đóng góp từ hoạt động SX- KD của các doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Hiện nay Nhà nước ta chưa ban hành một quy chuẩn nào phân biệt giữa nhà ở và nhà không phải để ở. Đây là trách nhiệm trước tiên của Bộ Xây dựng và đang là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạm dụng và tiêu cực trong quá trình đăng ký chuyển đổi loại hình nhà đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều cần lúc này là Bộ Xây dựng phải ra được quy định về các nhóm điều kiện như: nhà ở như thế nào thì được sử dụng cho mục đích SX-KD; loại hình ngành nghề, quy mô hoạt động SX-KD được phép tiến hành tại nhà ở; các đòi hỏi cụ thể mà chủ cơ sở SX-KD phải đáp ứng trong quá trình SX-KD tại nhà ở đó. Nếu thấy cần thiết hạn chế việc sử dụng nhà ở cho mục đích SX-KD, Bộ Xây dựng phải có sự chuẩn bị kỹ hơn về quy hoạch khu vực nhà ở và khu vực SX-KD; ban hành các quy chuẩn rõ ràng về nhà ở, những điều kiện của nhà được sử dụng làm nơi SX-KD và yêu cầu cụ thể trong quá trình sử dụng nhà ở cho mục đích này (chẳng hạn như đưa ra một danh mục các hoạt động SX-KD có thể gây ra phiền phức cho cư dân lân cận mà nhà ở sẽ không được sử dụng; cấm chủ cơ sở SX-KD ở khu nhà ở thực hiện các hành vi như bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, làm cản trở giao thông, gây ra tiếng ồn, khói, mùi... ảnh hưởng đến khu vực xung quanh; chỉ cho phép những hoạt động SX-KD quy mô nhỏ mới được sử dụng nhà ở để làm nơi thực hiện…); phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan có liên quan đánh giá tác động đối với đời sống xã hội để đưa ra các quy định và hướng dẫn đáp ứng được quyền lợi của người dân… chứ không nên "không quản được là… cấm !".

Điều 58 và 62 Hiến pháp 1992 đã quy định quyền tạo lập và sở hữu nhà ở của công dân. Điều 192 và 193 Bộ luật Dân sự 2005 bảo hộ quyền sử dụng, khai thác công dụng và hưởng lợi từ tài sản theo ý chí của chủ sở hữu tài sản miễn là không gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Điều 21 Luật Nhà ở 2005 quy định quyền của chủ sở hữu nhà ở trong việc sử dụng, cho thuê, cho mượn... theo quy định của pháp luật.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ thiếu tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.