Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là câu chuyện quyền cước

Minh An| 19/02/2022 11:09

(HNMCT) - Những ngày đầu xuân năm Nhâm Dần - năm con Hổ, câu chuyện với những võ sinh môn phái võ cổ truyền Nhất Nam về võ Hổ, hay còn gọi là Hổ quyền, càng thấy thêm cái hay, cái đẹp của võ cổ truyền. Và cũng để hiểu rằng, Hổ quyền không chỉ là những đường quyền cước dũng mãnh, ào ạt mà còn ẩn chứa nhiều giá trị khác trong cuộc sống, rõ nhất là trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Võ sư Nguyễn Anh Vũ biểu diễn bài Hổ quyền của môn phái Nhất Nam. Ảnh: Hoa Vinh 88

Tinh hoa của võ cổ truyền

Trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ Hổ xuất hiện trong hệ thống bài tập của nhiều môn phái. Nhất Nam là môn phái võ cổ truyền thuần Việt do võ sư Ngô Xuân Bính giới thiệu tại Hà Nội từ năm 1983. Đến giờ, giữa nhiều võ phái khác, môn võ này vẫn thu hút người tập và lan tỏa tới Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn... cũng như các nước châu Âu như Nga, Uzbekistan, Pháp...

Võ sư Nguyễn Anh Vũ của môn phái Nhất Nam kể rằng, trong các bài quyền của Nhất Nam, Hổ quyền là một trong ba bài quyền ở trình độ cao gồm Đảo Sơn thân pháp quyền, Xà quyền, Hổ quyền. “Hiểu về Hổ quyền cũng như các bài tập mô phỏng động tác của loài vật cần hiểu ở khía cạnh mô phỏng có chọn lọc mà nhiều người vẫn gọi là phỏng sinh học. Hổ quyền cũng chỉ mô phỏng những động tác chiến đấu của loài hổ như vồ, vả, giằng xé... chứ không mô phỏng những động tác sinh hoạt thông thường”. Cũng theo võ sư Nguyễn Anh Vũ, tính phỏng sinh học của Hổ quyền được triển khai đồng thời ở 2 mặt: Thủ pháp (chiêu thức) và tinh thần (tính dữ dội, gấp gáp và quyết liệt).

Võ sinh ít nhất phải qua 3 năm cơ bản mới có thể tập Hổ quyền và hấp thụ được tinh thần của nó. Còn để thi thố được tới mức tinh thì cần rất nhiều yếu tố khác. Việc luyện quyền nói chung và Hổ quyền nói riêng thường trải qua nhiều phần, đáng chú ý là luyện đi quyền các tốc độ khác nhau mà mức khó nhất là đi quyền thể hiện được hết cái thần của bài quyền.

Theo võ sư Trần Mạnh Hà của môn phái Nhất Nam, để có thể đi bài Hổ quyền thành thạo thì các bài tập phát triển sức mạnh của ngón tay, cổ tay thực sự cần thiết. Thông qua tập luyện Hổ quyền, người tập thêm dẻo dai, mạnh mẽ, tốc độ. Về mặt tinh thần thì sự quyết liệt, quả cảm, bản lĩnh... được nâng lên đáng kể.

Ứng dụng ít ai ngờ

Theo võ sư Trần Mạnh Hà, ngoài hướng luyện chiến đấu, việc tập Hổ quyền theo tinh thần dưỡng sinh cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như hệ hô hấp được cải thiện, cơ bắp phát triển, phản xạ nhanh nhạy, quyết đoán. Trong bài Hổ quyền, tiếng hét - vốn là một môn công phu đặc dị của Nhất Nam, càng được coi trọng. Tiếng hét tạo cảm giác như tiếng hổ gầm gừ, thực tế lại là phương pháp thở giúp người tập kịp thời cung cấp dưỡng khí cho cơ thể, thải thán khí một cách nhanh nhất.

Cũng vì vậy, trong các bài tập dưỡng sinh của môn phái Nhất Nam không thể thiếu tiếng hét và điều đó góp phần giúp người tập tăng sức bền. Anh Lương Văn Tuân, võ sinh câu lạc bộ Nhất Nam (Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô) kể: Trước khi tập dưỡng sinh Nhất Nam, anh thường thấy mệt mỏi, không thể duy trì làm việc ở cường độ cao liên tục. Nhưng sau khi tập luyện vài tháng, cảm giác như phổi nở ra và anh làm việc trong thời gian dài mà không thấy mệt mỏi.

Trong khi đó, dược sĩ - Phó Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Tô Hà, điều hành nhóm “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng” trên mạng xã hội Zalo cũng kể, từ khi Hà Nội bắt đầu thực hiện chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà cách đây hơn 1 tháng, chị và nhiều thành viên khác trên nhóm là các y, bác sĩ và cả võ sư Nguyễn Anh Vũ đã hỗ trợ tối đa những người mắc Covid-19.

Trong các biện pháp hỗ trợ người mắc Covid-19 có việc hướng dẫn các bài tập thở qua phần mềm trực tuyến Zoom hay mạng xã hội Zalo. Chính những bài tập thở của môn phái Nhất Nam mà võ sư Nguyễn Anh Vũ mang đến cho người bệnh đã hỗ trợ họ chóng hồi phục hơn so với điều trị thông thường. “Thực sự, võ cổ truyền còn nhiều điều cần khám phá vì giúp ích rất nhiều cho cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe” - chị Nguyễn Thị Tô Hà nói.

Dù không có thống kê cụ thể nhưng chị Hà ước tính có hàng trăm người tham gia nhóm “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng” đã hồi phục nhanh chóng khi tập các bài tập thở của môn phái Nhất Nam. Thường thì người tập mỗi ngày tập khoảng 3 - 4 lần, mỗi lần từ 5 - 7 phút. Chị Hà cho người viết xem hàng loạt tin nhắn với lời cảm ơn của người mắc Covid-19 điều trị tại nhà gửi tới nhóm “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng” và võ sư Nguyễn Anh Vũ nói riêng bởi các bài tập thở hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Tô Hà còn nói thêm rằng, kể cả khi dịch Covid-19 kết thúc thì chị và nhóm của mình vẫn sẽ mời võ sư Nguyễn Anh Vũ tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng khác. Và võ sư Nguyễn Anh Vũ cũng đón nhận việc này với tâm thế sẵn sàng. Đơn giản đó cũng là cách để võ cổ truyền nói chung và bài Hổ quyền nói riêng tiếp cận với ngày càng nhiều người, để góp phần tạo nên một xã hội khỏe mạnh cũng như lưu giữ một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là câu chuyện quyền cước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.