Tuần qua, việc thành phố Hà Nội sẽ hạn chế xe máy xăng lưu thông ở khu vực đường Vành đai 1 trở vào và các vấn đề liên quan đã thu hút sự theo dõi của dư luận.
Và câu chuyện xe máy xăng, vốn gắn chặt với cuộc sống của người dân, dường như đã làm “nhạt” đi các vấn đề liên quan đến môi trường đô thị khác.
Theo báo cáo của cơ quan môi trường, ô nhiễm không khí đang tập trung tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (với tâm điểm là Hà Nội) và phía Nam (trung tâm là thành phố Hồ Chí Minh). Nguồn phát thải chủ yếu gồm 4 nhóm, hoạt động giao thông - xây dựng, công nghiệp, đốt mở (đốt rơm rạ, rác thải) và dân sinh. Trong đó, nhóm giao thông - xây dựng đóng góp 17% nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí. Nhóm công nghiệp, đốt rơm rạ, rác thải chiếm tỷ lệ phát thải ô nhiễm cao hơn, từ 26% đến khoảng 30%. Như vậy, không chỉ có xe máy xăng là “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí.
Thực tế, trong Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 12-7-2025 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai hệ thống giải pháp đồng bộ từ năm 2025 để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương đang đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng. Chỉ thị cũng nêu rõ nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm chủ yếu xuất phát từ việc chưa đánh giá đầy đủ thực trạng, chưa nhận thức đúng yêu cầu bảo vệ môi trường. Trách nhiệm quản lý còn buông lỏng; việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; hệ thống pháp luật và hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Như vậy, cách tiếp cận vấn đề ô nhiễm môi trường phải toàn diện, với hệ thống giải pháp đồng bộ. Hạn chế xe máy xăng hay phương tiện sử dụng động cơ xăng, dầu chỉ là một trong những giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí.
Trước hết, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa nội dung chỉ đạo thành kế hoạch, đề án, văn bản hướng dẫn để triển khai trong thực tế, như yêu cầu của Thủ tướng là phải rõ lộ trình, phân công đầu mối phụ trách, xác định thời hạn và sản phẩm đầu ra.
Trong các giải pháp, các cấp, ngành phải tập trung hoàn thiện thể chế, bao gồm triển khai hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường, tăng cường thực thi pháp luật, ứng dụng công nghệ giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, huy động nguồn lực tài chính cho phục hồi môi trường.
Cùng với đó, các cấp, ngành cần tập trung xử lý các nguồn phát thải gây ô nhiễm, như triệt để di dời cơ sở sản xuất khỏi nội thành; buộc các cơ sở sản xuất phải lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động, liên tục. Danh sách các cơ sở đã, chưa hoặc không thực hiện nghĩa vụ này phải cập nhật thường xuyên. Hệ thống camera giám sát môi trường phải tích hợp với hạ tầng kỹ thuật của Bộ Công an để phục vụ phát hiện, xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, đề xuất chính sách đặc thù để xử lý các vấn đề môi trường cấp bách tại đô thị, làng nghề, lưu vực sông và hệ thống thủy lợi; hoàn chỉnh hệ thống quan trắc tự động tại các cụm công nghiệp, khu sản xuất, dịch vụ, cơ sở phát thải lớn và chia sẻ dữ liệu với Bộ Công an để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm.
Các địa phương phải đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động tại các đô thị lớn và công khai thường xuyên chất lượng không khí. Việc tuân thủ quy định môi trường trong thi công xây dựng và vận chuyển vật liệu xây dựng - nguồn phát thải bụi mịn phổ biến tại đô thị phải được siết chặt.
Cuối cùng, trong việc xử lý vi phạm, ngoài việc lấp khoảng trống quy định về bảo vệ môi trường, nhất thiết phải tăng chế tài, nâng cao hiệu lực thực thi. Cơ quan chức năng phải đôn đốc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại làng nghề, lưu vực sông, cụm sản xuất, kinh doanh và khu dân cư đông đúc. Tóm lại, để xử lý vấn đề ô nhiễm cần có một hệ thống quản lý bài bản, với cơ chế thực thi rõ ràng, tiêu chuẩn nghiêm ngặt, kế hoạch thống nhất và công tác giám sát liên tục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.