Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp

Kim Vũ - Hoàng Phong| 28/07/2011 07:08

(HNM) - Trong nhiều cuộc đình công, nghỉ việc tập thể từ đầu năm tới nay, ngoài chuyện tiền lương, một trong những yêu cầu chính công nhân đặt ra với chủ sử dụng lao động là phải cải thiện chất lượng bữa ăn trưa. Một thực trạng buồn diễn ra khá phổ biến hiện nay là bữa ăn trưa của công nhân tại nhiều DN chỉ ở mức 8.000 - 10.000 đồng.

Chăm lo tốt đời sống là yếu tố để công nhân gắn bó và cống hiến cho DN.
Trong ảnh: Công nhân Công ty Giai Đức trong buổi đình công sáng 23-6-2011.

Ngán ngẩm bữa ăn trưa

Nguyễn Văn Sơn - công nhân một DN sản xuất đồ chơi tại KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) lắc đầu ngán ngẩm khi được hỏi về bữa ăn trưa. Anh Sơn cho biết, đến đầu tháng 7 vừa qua, công ty nâng suất ăn trưa cho công nhân từ 10.000 đồng lên 13.000 đồng. Bữa ăn vẫn đủ thịt (hoặc tôm, cá), rau, canh nhưng thịt vừa mỏng vừa mỡ, canh lõng bõng nước cùng với hơn một bát cơm nấu gạo dở quanh năm. Làm việc cả ngày nhưng ăn như vậy nên cứ đến tầm giữa ca chiều là đói cồn cào. "Từ năm 2009 đến 2010 bữa ăn trưa chỉ được 8.000 đồng. Đầu năm 2011, hàng trăm công nhân tổ chức đình công thì suất ăn được nâng lên 11.000 đồng. Không hiểu sao chỉ một thời gian ngắn, mức ăn lại xuống chỉ còn 10.000 đồng. Cho đến mãi đầu tháng 7, có lẽ do dư âm của cuộc đình công tại Công ty Giai Đức mà DN tự giác nâng lên 13.000 đồng. Thế nhưng, với thời giá đắt đỏ thế này nên chẳng cải thiện chất lượng bữa ăn là mấy. Biết rõ bữa ăn không bảo đảm dinh dưỡng nhưng công nhân không có cách nào khác để tự lo liệu bữa ăn trưa cho mình" - Sơn tâm sự.

Công nhân các KCN khác tại Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những bữa ăn trưa xuống cấp về chất và lượng do giá cả tăng lên từng ngày. Theo ông Ngô Chí Hùng - Phó ban quản lý KCN và chế xuất Hà Nội thì có những doanh nghiệp chỉ chi… 8.000 đồng cho bữa ăn trưa thì thời buổi này đi chợ mua được cái gì?

Cần quy định cụ thể mức giá bữa ăn trưa

Từ trước đến nay, quy định về bữa ăn trưa được đưa vào thỏa ước lao động tập thể giữa đại diện công nhân và chủ sử dụng lao động. Vì vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể kiến nghị DN nâng chất lượng bữa ăn chứ không thể bắt buộc họ được. Thế nhưng thực tế thời gian qua, ngay tại các DN có tổ chức công đoàn và thỏa ước lao động tập thể như Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức nhưng những quyền lợi của người lao động, cụ thể là suất ăn trưa vẫn không được quan tâm. Một cán bộ công đoàn lo lắng vì hiện trong khối DN ngoài quốc doanh, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN và chế xuất Hà Nội tỷ lệ DN có công đoàn cơ sở và thỏa ước lao động tập thể chỉ đạt gần 1/2; các KCN phía tây Hà Nội, số DN thành lập công đoàn cơ sở và thỏa ước lao động tập thể chỉ có hơn 1/3. Như vậy, số đông công nhân tại các DN còn lại không nhận được sự chăm lo của chủ sử dụng lao động.

Từ thực tế này, đại diện Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn lao động, Ban quản lý KCN và chế xuất… của nhiều địa phương khi được hỏi đều đồng tình với quan điểm cho rằng, đã đến lúc việc chăm lo quyền lợi cho người lao động, cụ thể là việc tổ chức bữa ăn trưa cho công nhân cần phải được đưa vào khuôn khổ với các quy định cụ thể chứ không thể chỉ dựa vào ý thức của chủ sử dụng lao động. Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cần có quy định cụ thể về mức ăn trưa cho công nhân phải bằng bao nhiêu phần trăm mức lương tối thiểu chứ không thể thả nổi như hiện nay. Tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng tái khẳng định, quy định bắt buộc các DN phải cung cấp bữa cơm cho công nhân với mức giá cụ thể sẽ được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ và dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 10 này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ chờ vào sự tự giác của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.