(HNM) - Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã qua nhưng có nhiều công trình đầy ý nghĩa đang và sẽ phát huy hiệu quả trong tương lai. Khánh thành đúng dịp 10-10 vừa qua, cùng với Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) là minh chứng cho quan điểm của thành phố Hà Nội coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Nhờ vậy, các thế hệ học sinh của Thủ đô từ mốc 1000 năm tuổi đã có thêm những ngôi trường hiện đại và bề thế không chỉ ở khu vực đô thị mới phát triển mà cả ở nơi phố cổ đất chật, người đông.
Trường THCS Nguyễn Du mới được khánh thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: Bá Hoạt |
Ngôi trường hiện đại trong lòng phố cổ
Dăm năm trước, ít ai có thể nghĩ rằng, ở ngay phố Hàng Quạt lại có thể có một ngôi trường lớn đến vậy. 5.000m2 đất giữa phố cổ sẽ là "máy in tiền" nếu nó được đầu tư vào các mục đích kinh tế. Nhưng chính quyền các cấp, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm đã quyết tâm di dời Công ty Dệt kim Thăng Long đang đóng ở số 44-46 Hàng Quạt ra ngoại thành để xây ở đây một ngôi trường. Sau 4 năm vất vả ngược xuôi, vào đúng dịp Thủ đô tròn 1000 tuổi, lãnh đạo quận đã đón cô và trò Trường THCS Nguyễn Du về ngôi trường mới. Trong ngày gắn biển công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho ngôi trường này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Cao Bích Lan đã khẳng định: "Công trình này hoàn thành không chỉ có ý nghĩa là Hoàn Kiếm có thêm một ngôi trường mới khang trang, hiện đại và có đủ điều kiện để xây dựng thành trường chuẩn quốc gia, mà còn góp phần trực tiếp vào việc hoàn thiện mạng lưới trường học trên địa bàn".
Nhờ công trình này, cùng với việc sắp xếp lại tuyến tuyển sinh, 3 trường Trưng Vương, Nguyễn Du, Hoàn Kiếm đã có cơ sở của riêng mình. Trong tương lai, không chỉ Nguyễn Du mà cả 2 trường kia sẽ đều có điều kiện để trở thành trường chuẩn quốc gia. "Đây là một chủ trương lớn và dài hơi của quận, được thành phố quan tâm đặc biệt. Công việc đã được triển khai từ năm 2005 và gặp không ít khó khăn, số tiền giải phóng mặt bằng đã lên đến gần 30 tỷ đồng, nhưng với mong muốn có món quà ý nghĩa tặng thế hệ tương lai nhân thời khắc lịch sử nghìn năm có một, công trình đã hoàn thành đúng dự kiến và được bàn giao cho ngành giáo dục. Tôi tin rằng nhà trường sẽ sử dụng" có hiệu quả công trình này, bà Cao Bích Lan chia sẻ.
Trang sử mới của một ngôi trường giàu truyền thống
2.000 học sinh của Trường THCS Nguyễn Du hẳn sẽ không thể quên lễ khai giảng năm nay. Sau lễ dâng hương trước Tượng đài Vua Lý Thái Tổ, các em được thầy, cô dẫn về ngôi trường mới trong sự háo hức và đợi chờ một năm học đạt nhiều kết quả cao. Hiệu trưởng Phạm Thị Tuyết tâm sự: "Năm học 2010-2011 là một năm học mở đầu cho trang sử mới của trường. Thầy trò chúng tôi thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc làm sao gìn giữ, sử dụng có hiệu quả nhất ngôi trường được đầu tư lớn với đầy đủ các điều kiện về phòng học, phòng chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm, khu thể chất nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài".
Với truyền thống 38 năm, Trường THCS Nguyễn Du có một đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trong đó 82% có trình độ đại học và quan trọng hơn, các thầy, cô đều yêu nghề, mến trẻ nên luôn hết lòng với từng tiết dạy, trong mọi hoạt động của trường. Ngày còn "ở chung", phòng ốc thiếu thốn nhưng lãnh đạo trường vẫn quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học máy chiếu đa năng, camera, máy in màu... để giáo viên có điều kiện thực hành đổi mới phương pháp. Trường cũng đặc biệt quan tâm tới việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy. Chỉ cần vào địa chỉ website của trường có thể thấy nhà trường đã chăm chút thế nào cho trang thông tin điện tử này, nơi mà cả giáo viên, học sinh, cha mẹ các em có thể tìm thấy những thông tin cần thiết cũng như gửi gắm nỗi băn khoăn, sự suy nghĩ để cùng nhau giáo dục học sinh tốt hơn. 100 máy tính được kết nối internet, được cài đặt phần mềm tiếng Anh Dyned để giáo viên, học sinh có thể dạy, học tiếng Anh trực tuyến, được phổ cập tin học; học sinh có sổ liên lạc điện tử và làm việc với bảng tương tác theo phần mềm dạy học của Mỹ. Hiệu trưởng Phạm Thị Tuyết cho biết: "Nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống lớp chất lượng cao để phát huy khả năng của giáo viên, nội lực của học sinh và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện đại nhằm mục tiêu 100% học sinh của trường đỗ vào trường THPT công lập và xây dựng trường thành trường chuẩn quốc gia trong thời gian sớm nhất".
Trở lại Nguyễn Du sau hơn nửa học kỳ, ngôi trường chỉ là "cái xác" ngày nào giờ như mang sinh khí mới. Điều ấy cho niềm tin rằng những mục tiêu phấn đấu của nhà trường sẽ không chỉ là mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.