(HNM) - Chiều 28-4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì giao ban trực tuyến về Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng. Dự án được triển khai từ năm 1991 và năm 2010 phải hoàn thành để báo cáo Quốc hội.
Các chiến sĩ Đoàn 354 giúp đồng bào bản Pho, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát chăm sóc rừng trồng. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN |
Còn gần 35 nghìn hécta rừng chưa trồng
Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng là dự án đặc biệt, triển khai ở hầu hết các địa phương có rừng trên cả nước, với đối tượng hưởng lợi chính là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Sau 10 năm triển khai dự án, rừng nhiều nơi đã được cải tạo, nâng cao chất lượng và trữ lượng, có giá trị kinh tế cao. Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước đã đạt gần 39%. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện dự án nhưng vẫn còn 34.579ha rừng chưa được trồng.
Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, 3 tháng đầu năm 2010, cả nước chỉ trồng mới được 587ha rừng, trong khi thiệt hại rừng do bị cháy và chặt phá lên đến 2.247ha. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, số vụ cháy rừng cũng như diện tích rừng bị thiệt hại rất lớn. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra 316 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 1.679ha.
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, tính đến đầu tháng 4 có 8 địa phương được giao chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ nhưng thực hiện còn thiếu so với kế hoạch Nhà nước giao. Trong đó, tỉnh Quảng Nam diện tích giao còn thiếu nhiều nhất, 454ha, tiếp đến là các tỉnh Đắk Lắk 348ha, Bình Định 269ha, Quảng Ngãi 210ha, Quảng Bình 169ha, Gia Lai 30ha, Khánh Hòa 17ha, Đắk Nông 13ha. |
Bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh này đã trồng mới trên 35.200ha rừng. Trong đó có 14.580ha rừng phòng hộ, 1.249ha rừng đặc dụng và 19.385ha rừng sản xuất. Trong số diện tích rừng trồng mới chỉ có 16.200ha thành rừng, còn lại hơn phân nửa (56%) diện tích chưa thành rừng và mất trắng. Chất lượng rừng trồng cũng là cả vấn đề (chỉ gần 42% diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh sau 6 năm thành rừng), khả năng cung cấp gỗ của rừng thấp (vẫn phải nhập 2 triệu mét khối gỗ/năm). Chưa kể tình trạng chặt phá rừng trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi (mất gần 80.000ha rừng trong thời gian thực hiện dự án).
Bộ NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn nhiều yếu kém, chất lượng quy hoạch thấp, giữa quy hoạch và thực tế có khoảng cách lớn; thiếu hướng dẫn với các tiêu chí rõ ràng đối với từng loại rừng; việc thẩm định, phê duyệt dự án cũng như phối hợp giám sát còn lỏng lẻo; rừng trải rộng trên địa bàn lớn, chủ yếu ở vùng KT-XH còn nhiều khó khăn; vốn đầu tư cho ngành lâm nghiệp thấp so với nhu cầu, chính sách chưa thực sự tạo ra động lực khuyến khích người dân gắn bó với rừng...
Ngoài khó khăn về thời tiết, thiếu kinh phí cũng là lý do khiến công tác trồng rừng bị chậm. Sở NN&PTNT Lai Châu cho biết, sở dĩ tỉnh này vẫn giao thiếu hơn 3.000ha diện tích rừng phòng hộ cần trồng là do UBND tỉnh cấp thiếu kinh phí. Chỉ cần đủ kinh phí, Sở sẽ đôn đốc trồng rừng theo đúng tiến độ. Thậm chí, nhiều địa phương vẫn chưa nhận được ngân sách cấp cho trồng rừng của năm 2008, 2009...
Đẩy nhanh tốc độ trồng rừng
Để kịp hoàn thành tiến độ trồng rừng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh; các địa phương cần tranh thủ thời tiết có mưa là phải trồng rừng ngay, đồng thời tập trung nguồn vốn của năm 2010 để giao chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng phòng hộ, địa phương nào thiếu vốn cần khẩn trương báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Trong thời gian tới, sẽ ưu tiên quỹ đất, nguồn lực phát triển rừng kinh tế trên cơ sở xã hội hóa nghề rừng, đem lại việc làm và thu nhập nhiều hơn cho người dân; tăng cường giám sát việc thực hiện ở các địa phương để dự án đi đúng hướng, đạt mục tiêu.
Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị, tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy; tăng cường công tác kiểm tra, phòng cháy, chữa cháy tại các địa phương; tập trung việc giải ngân, thanh toán vốn thực hiện năm 2009, chuyển vốn kết dư sang năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.