Đề nghị luật sư cho biết pháp luật sẽ xử lý như thế nào đối với việc con không cấp dưỡng cha mẹ?
Đoàn Văn Hải
Luật gia Vũ Thành Trung
(Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, ĐT: 0904.354.588; email: vttrung@mic.gov.vn) trả lời:
Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành công dân tốt, con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Đó là đạo lý truyền thống dân tộc và được pháp luật Nhà nước ta quy định. Con không cấp dưỡng cha mẹ không chỉ bị xã hội lên án mà còn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 152 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: "Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm". Điểm 8 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25 - 9 - 2001 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - TAND Tối cao - Viện KSND Tối cao quy định:
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ của một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Theo quy định tại các điều từ Điều 50 đến Điều 60 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa: vợ và chồng; cha, mẹ và con; ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; anh chị em với nhau.
2. Có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng có tiền, tài sản hoặc thu nhập có khả năng bảo đảm cuộc sống của gia đình với mức sống trung bình ở địa phương.
3. Hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thường được biểu hiện bằng việc không chịu đóng góp tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó.
4. Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây: người vi phạm phải là người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; người vi phạm từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng; việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã gây hậu quả nghiêm trọng (tức là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe như: ốm đau, bệnh tật...). Trong trường hợp chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm phải bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
5. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm này nếu đã có bản án, quyết định của Tòa án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình mà người đó vẫn cố tình không chấp hành, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án, quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự 1999.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.