Văn nghệ

Không ai có thể một mình

Đặng Huy Giang 11/01/2025 - 07:36

Tôi có may mắn được đọc thi phẩm “Lại về với cỏ” của Trịnh Công Lộc trước khi ông xuất bản nó trong tập thơ “Mặt trời cỏ”.

Bài thơ có kết cấu chặt. Bốn câu mở đầu và bốn câu kết rất logic về hình thức và nội dung, có liên quan chặt chẽ và hữu cơ với nhau, tựa như không có cái này thì không có cái kia. Và ngược lại. Tứ của bài thơ này được manh nha và hình thành rất rõ ngay từ bốn câu đầu: “Bệnh có thể qua đi/ Nhưng làm sao qua mệnh/ Mệnh có hỏi câu gì/ Cũng sẽ về với cỏ”...

Và vấn đề được nêu ra cũng bắt đầu từ đây.

Theo cách nói của dân gian thì bốn câu này có thể diễn xuôi: Ở một con người, có thể chữa được bệnh, không chữa được mệnh và nếu mệnh bắt phải thế, thì trước sau “cũng sẽ về với cỏ”. Và cỏ cùng với biểu tượng cỏ là một phần quan trọng của tứ thơ. Chúng vừa có giá trị dẫn dắt, đưa đẩy, thực chứng, vừa có giá trị diễn giải để quy nạp, quy nạp nhờ diễn giải, tựa như không có hai thao tác này, nhờ vào hai thao tác này thì tứ thơ không bật ra và mạch thơ khó mà hanh thông cho được. Rồi sự ghìm nén đã được giải thoát, giống như người đang mang một vật nặng trên người được trút gánh vậy. Bốn câu thơ mang chức năng trút gánh thuộc về: “Mặt trời xanh của đất/ Mặt trời đỏ của trời/ Hai mặt trời chiếu rọi/ Nên huyền diệu con người”. Bốn câu thơ này cũng là điểm nhấn quan trọng của tứ thơ.

Đó cũng là kết quả kéo theo, mang vai trò dẫn dắt của những câu: “Cỏ lên xanh ngời ngời”, “Xanh như màu biển khơi”, “Thêm lộc biếc sinh sôi” trong các khổ thơ trước, được hình thành trước đó. Những câu thơ này cùng với bốn câu thơ kể trên, là tín hiệu lạc quan làm nên hồn cốt của tứ thơ và bản lĩnh lẫn khí chất của người viết. Riêng khổ kết: “Còn mình khi mệnh đến/ Lại về với cỏ thôi/ Tựa lưng mền đất cỏ/ Mơ tít tắp lên trời” như để lấy lại sự cân bằng của tâm trạng đã được đặt ra từ khổ thơ đầu. Dường như tác giả đã ngộ ra cái tất yếu. Và nhận thức được cái tất yếu tức là tự do và tìm được đường về tự do.

Nhà thơ Trịnh Công Lộc nổi tiếng từ “Mộ gió” và làm nên “hội chứng mộ gió” trong thơ. Không chỉ có “Mộ gió”, Trịnh Công Lộc còn nhiều bài thơ ấn tượng khác như “Đỉnh núi”, “Thác gọi”... và một vệt thơ viết về đề tài biển. Thơ ông gan ruột và máu thịt đến từng chi tiết. Tình thơ của ông chân tình, thắm thiết, không phải nhà thơ nào cũng có được.

Đến “Lại về với cỏ”, Trịnh Công Lộc như trở về mình và trả lại ý nghĩa hoàn nguyên cho những gì vốn có, như là quy luật của muôn đời, thông qua biểu tượng cỏ. Và người “Mơ tít tắp lên trời”, hẳn phải là một người bước qua được hiện thực và cao hơn hiện thực!

Đó là điểm nhấn thứ nhất trong “Mặt trời cỏ”.

Điểm nhấn tiếp theo, phải kể đến “Vết sờn Cổ Nhuế”.

Phải là người có con mắt mỹ cảm khác biệt, lại nhìn sâu vào bên trong như thế nào, Trịnh Công Lộc mới viết những câu thơ đậm đặc kỷ niệm và máu thịt như thế này: “Gạch sờn vai đình cổ/ Vẹt mòn cả lối đi/ Gồ ghề đường Cổ Nhuế/ Còn quanh co những gì.../ Lớp học nơi sơ tán/ Tường hào đắp vòng quanh/ Hầm chữ A chạm tóc.../ Cơm ngày nào cũng nguội/ Đeo đẳng bữa bo bo.../ Cả lớp ôm nhau khóc/ Tiễn bạn ra chiến trường/ Áo sờn vai như gạch...”. Rồi qua “năm mươi năm quăng quật”, nhà thơ mới ngộ ra: “Cái vết sờn Cổ Nhuế/ Thành vết son trong đời”. Như vậy, từ Cổ Nhuế xa xưa đến Cổ Nhuế hồi ức tuy dài, nhưng không dài bằng từ “vết sờn” đến “vết son”. Và “vết sờn” trở thành “vết son” ấy, đương nhiên là rất độc đáo, không phải ai cũng dễ dàng có được, trải nghiệm ra được.

Trịnh Công Lộc cho rằng: “Không ai có thể một mình”, bởi thế ông luôn hướng đến người khác, mà cụ thể hơn là hướng tới bè bạn. Với ông, một cuộc gặp gỡ thôi, cũng đã là hạnh ngộ: “Ngỡ như đến trăm năm/ mới có lần gặp mặt/ tay biết ấm trong tay/ mắt biết bừng trong mắt ("Gặp nhau và nghĩ"), “Chúng mình đang đứng đây/ Năm cuộc đời bện lại/ Kết thành một sợi dây/ Nối vào trăm bè bạn ("Năm người đang ở đây"). Ông là người luôn hướng tới sự đồng cảm, sẻ chia với những mất mát của đồng bào mình: “Không chỉ Trà Leng, Trà Vân, Phước Thành, Phước Lộc.../ Còn bao nhiêu dằng dặc miền Trung/ Nỗi xót đắng mỗi nhành cây, nắm đất/ Còn ngổn ngang, khắc nghiệt khôn cùng" ("Tưởng nhớ Trà Leng").

Trịnh Công Lộc coi sự thanh thản là báu vật của cuộc đời mình. Ông coi lòng tốt làm cho ông nhẹ lòng hơn. Ông coi sức khỏe, tình cảm và những gì xảy ra quanh ông là bình thường, dù sự bình thường ấy rất “gần chảo lửa”. Ông muốn sống chậm, sống thật chậm để nhận chân ra tất cả. Có lúc, ông như nương tựa vào tre và dùng ngôn ngữ tre để trở về mình qua “Tre làng”: “Thẳng lưng bên bờ tre mọc/ Xanh xanh giăng khắp đường quê/ Ai đi lạc miền xa lắc/ Tre xanh sẽ gọi người về”.

Thơ Trịnh Công Lộc nhiều tâm sự, nhiều nỗi niềm, tri âm, tri kỷ. Được vậy là nhờ tâm của ông trong, tình của ông nặng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không ai có thể một mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.