Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi tố vụ án đâm xe liên hoàn trên cầu Thăng Long

Thái Thịnh| 30/06/2012 08:58

4 ngày sau vụ tông xe liên hoàn khiến 8 người bị thương, một nữ sinh thiệt mạng, công an đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 202 Bộ luật Hình sự.


Quyết định khởi tố vụ án được thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) ký ngày 28/6.

Theo một cán bộ điều tra, cùng ngày cảnh sát có mặt ở nơi tài xế Nguyễn Bá Việt (34 tuổi, ở huyện Đông Anh) gây ra vụ tai nạn liên hoàn để nắm bắt một số thông tin liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, do Việt vừa mổ và chưa tỉnh táo nên cảnh sát chưa lấy được nhiều thông tin.

"Việc xác định tài xế này có hơi men như nhân chứng nói hay không phải chờ các kết luận của khoa học kĩ thuật. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải tôn trọng ý kiến của bác sĩ điều trị cho bệnh nhân", một cán bộ công an nói.


Chiếc xe Innova vỡ nát phần đầu, cầu trục và hai bánh trước bị sập. Ảnh: Ái Phương.

Trước đó, đêm 24/6, trên cầu Thăng Long (Hà Nội), chiếc ôtô Innova phóng theo hướng từ đường Phạm Văn Đồng đến sân bay Nội Bài với tốc độ cao. Đến đoạn cua, xe lấn sang làn đường ngược chiều, đâm vào đầu taxi Mai Linh, rồi tiếp tục đâm vào hông trái của taxi Nội Bài. Cú va chạm khiến em Trần Tuệ Linh (12 tuổi, đi trên taxi Nội Bài) tử vong tại chỗ, 8 người còn lại bị thương.

Anh Trần Duy Hưng (bố của bé gái tử nạn) cho biết, thời điểm đó gia đình anh vừa vừa rời sân bay Nội Bài để về nhà tại trung tâm Hà Nội, sau chuyến du lịch dài ngày ở Thái Lan. Người dân có mặt tại hiện trường cho biết, tài xế này có hơi men khi bước xuống xe sau tai nạn.

Trao đổi với PV, luật sư Phạm Minh Đức, Công ty Luật Galaxy cho rằng, vụ việc nếu đúng như báo chí đưa thì tài xế xe Innova có thể bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo Điều 202 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Đức, để xác định cụ thể trách nhiệm hình sự áp dụng với tài xế này, cần quan tâm đến nhiều tình tiết như sau khi gây tai nạn lái xe đã lên một ôtô khác rời khỏi hiện trường. Nếu đi vào viện cấp cứu, hành vi đó được pháp luật cho phép theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Ngoài ra, việc xác định lái xe có sử dụng rượu hay không cũng là tình tiết quan trọng để xem xét định khung tăng nặng khi quyết định hình phạt. Việc đó cần có kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của bệnh viện nơi lái xe đang điều trị.

Luật sư Đức cho rằng, ngoài việc có một nạn nhân tử vong, cơ quan chức năng cần phải tính đến tỷ lệ thương tật của những nạn nhân còn lại để định khung hình phạt theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh chế tài về hình sự, người lái xe Innova trong vụ tai nạn này có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 34 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 202 - Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 2 năm
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a, Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b, Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c, Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d, Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
e, Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi tố vụ án đâm xe liên hoàn trên cầu Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.