Chiều 4-4, nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội
Ông Nguyễn Việt Tiến |
17h30 chiều nay, nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Cố ý làm trái".
Ông Nguyễn Việt Tiến bị khởi tố bị can, bắt tạm giam cuối giờ chiều nay (4/4) về tội “Cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Lúc 17h30, xe của C14 đã đến nhà riêng ông Nguyễn Việt Tiến (188 Thái Thịnh) mang theo quyết định khởi tố. Cán bộ C14 đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng tới ông Nguyễn Việt Tiến.
Ông Nguyễn Việt Tiến tỏ ra khá bình thản đợi đọc quyết định. Dường như ông Tiến đã biết trước kết cục của mình. Cánh cửa chính của tòa nhà đóng lại và lệnh khám xét bắt đầu.
Cả đoạn đường Thái Thịnh đã tắc nghẽn vì người dân vì
hàng trăm phóng viên báo chí cùng hàng nghìn người dân đang tập hợp quanh nhà ông Tiến chứng kiến việc bắt ông thứ trưởng đầy tai tiếng này.Được biết, CQĐT đã và sẽ tiếp tục làm rõ rất nhiều vấn đề liên quan đến ông Tiến, hiện đang được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Liên tục trong những ngày qua, ông Nguyễn Việt Tiến bị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) Bộ Công an triệu tập lên làm việc.Mặc dù nội dung chi tiết cuộc làm việc này chưa được tiết lộ, nhưng được biết hiện nay CQĐT đang đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm cá nhân ông Nguyễn Việt Tiến (khi làm Thứ trưởng thường trực ở Bộ GTVT) trong các các vấn đề quản lý dự án, quản lý xe ôtô và tài sản, đề bạt cán bộ…, và tài sản riêng của gia đình, những mối quan hệ ngoài xã hội bị xem là khá "đặc biệt" của ông Tiến.
Trọn ngày 27/3, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã họp kiểm điểm trách nhiệm cuả Bộ trưởng Đào Đình Bình và 3 Thứ trưởng: Nguyễn Việt Tiến, Ngô Thịnh Đức và Phạm Duy Anh về các vấn đề: Tổ chức cán bộ, quản lý tài chính (vốn đầu tư) tài sản (xe ô tô...) và những vấn đề liên quan khác.
Đến ngày 28/3, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã chủ động gặp gỡ báo giới trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến vai trò, trách nhiệm của ông Tiến trong việc để xảy ra tiêu cực ở PMU18; việc bổ nhiệm cán bộ ở "siêu ban" này; việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, thất thoát từ các dự án; việc mua và sử dụng xe công không theo nguyên tắc; và những mối quan hệ được xem là "phức tạp" của ông...
Cũng tại buổi làm việc này, ông Tiến cho biết đã có "Đơn kêu cứu khẩn cấp" gửi Chính phủ cùng các cơ quan cấp trên về những cáo buộc liên quan đến ông.
Cùng ngày, CQĐT đã có văn bản gửi các cấp trên (Chính phủ...) đề nghị tạm đình chỉ công tác Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến để phục vụ công tác điều tra. Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định (số 481) đình chỉ công tác Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến.
Ngay trong sáng 29/3, Bộ GTVT đã ngay lập tức tổ chức họp triển khai Quyết định 481của Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã chính thức gặp mặt báo chí với thái độ bình thản, thậm chí có phần... vui vẻ khi trả lời nhiều câu hỏi không mấy dễ chịu của hơn 50 phóng viên về vụ tiêu cực ở PMU18 và trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bình đã cho rằng Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã không nói đúng với biên bản cuộc họp kiểm điểm ngày 27/3, thậm chí có nội dung còn vu cáo ông. Ngoài ra, ông Bình nói ông sẵn sàng chấp nhận kỷ luật của cấp trên khi trả lời câu hỏi "Sau tai nạn tàu E1 năm 2005, rồi tới tiêu cực ở PMU 18, Bộ trưởng có hay không có ý định từ chức?".
Ngõ cụt trên con đường hoạn lộ
Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Việt Tiến là Thứ trưởng thường trực ở Bộ GTVT, được xem là ứng cử viên duy nhất vào vị trí Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này. Thậm chí, có thông tin cho hay, ông Tiến cũng được Trung ương đánh giá rất cao.
Được giao phụ trách mảng vốn đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến là người chịu trách nhiệm hoặch định kế hoạch, chiến lược ngành. Ông Tiến được những người quen biết đánh giá khá tốt về phong thái sống đầy chất "giao thông": thẳng thắn, trực tính, thậm chí nhiều khi nóng nảy, nhưng là người dám làm, dám quyết và có chuyên môn rất vững.
Tuy nhiên, khi vụ tiêu cực ở PMU18 bị phanh phui, công luận mới được biết nhiều hơn về những "góc khuất" của ông Tiến. Thậm chí, những "góc khuất" có dấu hiệu vi phạm pháp luật hiện đang được CQĐT làm rõ.
Chẳng hạn, trong việc sử dụng nguồn vốn ODA phân bổ về cho các Ban quản lý dự án, PMU18 được rót tới 70% tổng số nguồn vốn của Bộ, các PMU khác "chia sẻ" 30% còn lại.
Ông Tiến cho hay việc phân phối dự án cho các PMU, đặc biệt là PMU18, toàn do Bộ trưởng "tự quyết". Tuy nhiên, ngày 29/3, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã "phản pháo" khi cho hay PMU18 quản lý 15 dự án vốn ODA (tới 29.966 tỷ đồng), thì 14/15 dự án đã được giao cho Ban này từ trước khi ông Bình lên làm Bộ trưởng (?).
Việc này, nếu nói Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm thì theo ông Bình phải có tới... 3 đời Bộ trưởng cùng chịu. Bộ trưởng Bình cho hay Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến là người chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến nguyên là: Trong thời gian hơn năm năm (1994-1998) được điều từ Vụ Kế hoạch - đầu tư (Bộ GTVT) về đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc PMU18, ông Nguyễn Việt Tiến đã được giao làm đại diện chủ đầu tư nhiều dự án xây dựng cầu đường, như dự án xây cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), dự án cầu Phù Đổng trên quốc lộ 1 (Hà Nội), dự án cầu Phả Lại (địa điểm thi công tại Bắc Ninh - Hải Dương), nâng cấp quốc lộ 18... Đặc biệt, dự án cầu Hàm Rồng (sau này đổi tên cầu Hoàng Long) phải qua ba lần điều chỉnh phương án, cuối cùng tổng kinh phí “đội” lên hơn 146 tỉ so với kế hoạch ban đầu là 83,5 tỉ đồng. Thế nhưng trong quá trình thi công nảy sinh hàng loạt vấn đề phát sinh chi phí và Bộ GTVT đã phải “bấm bụng” duyệt số tiền chi phí phát sinh trên 36,3 tỉ đồng. Đáng nói hơn cả là ngay sau khi công trình đi vào sử dụng, đã xuất hiện tình trạng lún sụt, rạn, nứt, hư hỏng nặng tại đoạn đầu cầu phía nam và hiện nay là đoạn đầu cầu phía bắc. Tiền thất thoát và lãng phí tại dự án này được xác định là hơn 4,5 tỉ đồng. Mặt khác, từ thời làm tổng giám đốc PMU18, ông Nguyễn Việt Tiến cũng có nhiều điều tiếng xung quanh dự án đấu thầu xây cầu Phù Đổng trên quốc lộ 1 giai đoạn 2. Trong vụ này, không hiểu vì lý do gì mà ông Tiến đã thẳng tay gạt đơn vị trúng thầu công khai là liên danh Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc - Cienco 8, thay vào đó là liên danh Công ty cầu Thăng Long - Cienco 1 vốn bỏ thầu cao hơn liên danh thắng thầu tới 50 tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn có những điều khuất tất trong việc lấy nguồn vốn của các dự án để “hỗ trợ” địa phương hoặc thi công một số con đường không nằm trong dự án. Điển hình là con đường bêtông dài khoảng 7km tại xã Văn An, huyện Chí Linh (Hải Dương) và việc san nền chợ nằm ngay trên quốc lộ 18. |
Theo VNN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.